Riêng tại Việt Nam, giá bản quyền truyền hình EPL tăng theo cấp số nhân, từ 900.000 USD lên 38 triệu USD (khoảng 42 lần) chỉ trong vòng 14 năm qua (từ năm 2002-2016). Cụ thể, giá bản quyền EPL cho 2 mùa 2002-2003 và 2003-2004 tăng từ 900.000 USD đến 2 triệu USD trong 3 mùa từ 2004-2007; rồi tiếp tục tăng lên mức 4 triệu USD (2007-2010) đến 13 triệu USD (2010-2013); và mới nhất nhảy vọt lên mức 35 triệu USD cho 3 mùa từ 2013-2016. Dự kiến, con số sẽ vào khoảng 70 triệu USD cho 3 mùa từ 2016-2019.
Khoản thu lớn từ bản quyền truyền hình giúp EPL bỏ xa các giải đấu danh tiếng khác trên thế giới về khoản kiếm tiền còn các đội bóng tại Anh luôn kiếm “bộn” qua từng mùa giải. Theo thống kê, mùa giải trước, đội bóng chỉ đứng thứ 20 ở giải EPL- Cardiff City nhận đến 151,1 triệu USD, bỏ xa nhà vô địch Serie A- Juventus (106,3 triệu USD), vô địch Bundesliga- Bayern Munich (41,8 triệu USD) và nhà vô địch Ligue 1-Paris Saint Germain (50,4 triệu USD). Theo hãng CNN (Mỹ), hiện nay có đến 650 triệu khán giả ở 175 quốc gia trên toàn thế giới xem EPL và con số này vẫn tiếp tục tăng.
Tại Thái Lan, Cable Thai Holding (CTH) đã bỏ ra số tiền 300 triệu USD để có được bản quyền truyền hình EPL cho 3 mùa 2013-2016 tại ba nước là Thái Lan, Lào và Campuchia. Giai đoạn 2016-2019, CTH vẫn tiếp tục nắm độc quyền ở xứ sở chùa vàng. Để thu hút lượng khán giả lớn hơn, CTH đã có sự “chia sẻ” với các nhà đài khác. Cụ thể, CHT và Bangkok Media & Broadcasting đã đạt một thoả thuận về việc một phần trên tổng số 380 trận đấu của Premier League mùa giải 2015/16 sẽ được phát miễn phí trên kênh truyền hình kỹ thuật số tốc độ cao PPTV.
Chủ tịch PPTV-Kematat Paladesh không tiết lộ chi phí của thoả thuận này, song xác nhận rằng rất nhiều hãng đã đặt quảng cáo trong thời gian diễn ra Premier League 2015/16 trên PPTV. Năm ngoái, kênh Channel 3 của Bangkok Entertainment cũng phải chi khoảng gần 6 triệu USD để có được bản quyền phát sóng trực tiếp 26 trận của Premier League.
Tại Singapore, nhằm phá vỡ thế “độc quyền”, chính quyền Singapore hồi năm 2013 chính thức ban hành luật Cross Carriage Measure (yêu cầu phát chéo nội dung của nhau) áp dụng đối với các đài truyền hình trả tiền. Cụ thể, thuê bao của hãng truyền hình A có thể đăng ký một gói/kênh/nội dung nào đó của hãng B và hãng B phải cho phép. Tất nhiên thuê bao này vẫn phải trả tiền cho hãng B.
Còn ở Australia, tập đoàn viễn thông khổng lồ Optus đã giành chiến thắng trước Foxtel, đơn vị nắm thế độc quyền phát sóng EPL kể từ cuối những năm 1990 trên kênh Fox Sports, trong cuộc chiến giành độc quyền phát sóng Premier League. Theo đó, Optus sẽ chi tổng cộng 189 triệu USD cho bản quyền EPL 3 mùa 20016-2019.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 2/11, CEO Optus- Allen Lew cho biết: “Đây là một chiến thắng tuyệt vời dành cho Optus, điều này sẽ đảm bảo cho người hâm mộ bóng đá Australia có thể xem tất cả các trận đấu ở giải đấu bóng đá nổi tiếng nhất hành tinh”.
LĐBĐ Australia cho biết, hiện họ đang tìm kiếm một thỏa thuận để EPL có thể phổ biến hơn trên các kênh truyền thông đại chúng.