Tsonga: Là tay vợt da màu vĩ đại thật khó

Ngày đăng 11/08/2014 10:47

Chức vô địch ấy đã là danh hiệu Masters 1000 thứ hai của Tsonga sau lần đầu anh vô địch Paris Masters 2008.

Bản thân chức vô địch cách nay sáu năm đã giúp Tsonga trở thành người da màu duy nhất giành được một danh hiệu đáng kế của thế giới tennis nam kể từ sau sự kiện Yanick Noah vô địch Roland Garros năm 1982.

Tennis trong suốt chiều dài lịch sử vẫn được coi như môn thể thao của người da trắng. Sự xuất hiện của Arthur Ashes, tay vợt người Mỹ da màu ba lần vô địch Grand Slam và được đặt tên cho sân chính ở nơi tổ chức US Open là chuyện hy hữu, còn sự thành công của chị em nhà Williams ở bên nữ thực ra cũng là ngoại lệ.

Phải tới gần đây mới xuất hiện một số tay vợt da màu ở Mỹ nhưng họ không phải là những tài năng xuất chúng (Sloane Stephens, Key, Towsend, Young…). Đồng hương Pháp với Tsonga cũng có Gael Monfils nhưng chưa bao giờ vươn tới đỉnh cao thực sự.

Tsonga đánh bại 4 tay vợt trong top 10 để vô địch Rogers Cup 2014

Tsonga gần như có tất cả

Nay thì với danh hiệu Master thứ hai Tsonga còn giúp anh trở thành tay vợt có thành tích đáng kể nhất ngoài nhóm Big 4 (Federer, Nadal, Djokovic và Murray) ở hệ thống Masters. Không còn ai hiện đang thi đấu giành được hai Masters.

Wawrinka, David Ferrer và Tomas Berdych mỗi người cũng mới chỉ một lần vô địch Master. Del Potro vươn lên tầm cao mới với danh hiệu US Open nhưng anh chưa từng nếm trải vinh quang ở Masters 1000. Wawrinka mới 1 lần đăng quang ở Monte Carlo năm nay.

Năm ngoái, trong cuộc trả lời phỏng vấn người viết bên lề trận đấu biểu diễn với Nadal ở Madison Square (New York), Del Potro đặt Masters 1000 ở một vị trí đặc biệt và coi việc anh chưa từng một lần vô địch Masters 1000 là bởi anh chưa thực sự vươn tới đẳng cấp của Nadal hay Djokovic.

Nhưng không phải chờ tới hôm nay thì tài năng của Tsonga mới được nói tới. Tiềm năng của Tsonga được phô diễn khi anh vô địch US Open trẻ năm 2003 ở tuổi 18 sau chiến thắng ở chung kết trước Baghdatis.

Tài năng của Tsonga được ghi nhận năm 2008 khi anh 23 tuổi, vừa vào tới chung kết Australian Open vừa vô địch Masters và giành quyền chơi ATP World Tour Finals (khi đó còn gọi là Master Cup).

Con đường tới chung kết Australian Open với anh là một điều kỳ diệu. Không phải là hạt giống, trận đấu đầu tiên ở giải anh thắng Andy Murray, người trước đó ít tháng đã vào tới chung kết US Open. Còn bán kết Tsonga quật đổ Nadal chỉ sau ba set. Tsonga chỉ chấp nhận thất bại khi đụng Djokovic ở trận đấu cuối cùng nhưng cũng vẫn thắng được một set.

Tsonga leo từ ngoài top 50 vào top 10 và dường như việc vô địch Grand Slam với anh chỉ là vấn đề thời gian.

Điểm mạnh của Tsonga là anh gần như một tay vợt hoàn hảo. Chúng ta gần đây ca tụng Djokovic như một tay vợt chơi khắp mặt sân mẫu mực, nhưng Tsonga đã từng cho thấy anh có thể chơi thứ tennis như thế từ lâu rồi. Anh bắt volley như một chuyên gia bắt lưới. Anh có bản năng (hoặc thói quen từ tập luyện) sẵn sàng lao lên phía trước sau những đường bóng tấn công, và cũng có thể đứng cuối sân để đôi công.

Nadal từng nói về Tsonga rằng, “người ta vẫn nói tôi khoẻ nhất, nhưng nói về tố chất thể lực, tôi chẳng là gì với Tsonga”.

Trận chung kết với Federer, cú thuận tay vừa chạy vừa đánh của Tsonga dọc dây cháy góc chữ A ở cuối sân đạt tốc độ lên tới 149kmh có thể coi là biểu hiện của phẩm chất sức mạnh đặc biệt. Tsong di chuyển ngang mặt sân mà vẫn đủ khả năng bật cao và đè bóng.

Và hạn chế

Nhưng những phẩm chất cần có khác để tạo nên những tay vợt hàng đầu, vươn tới những đỉnh cao thực sự trong tennis là ý chí và khả năng kiểm soát tâm lý. Đáng tiếc, đó lại là những hạn chế mang tính phổ biến ở các vận động viên da màu.

Hai chị em nhà Williams với Venus có bảy Grand Slam còn Serena có 17 danh hiệu lớn được coi là ngoại lệ của tennis nữ, bên cạnh việc họ có sự ảnh hưởng tích cực từ người cha và sinh ra rồi trui rèn ở giai đoạn tennis của Mỹ đang phát triển cực thịnh.

Còn người tạo ra ngoại lệ cho các tay vợt nam da màu là Arthur Ashe ba lần vô địch Grand Slam trở nên đặc biệt bởi ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống ở Virgina (Mỹ) và bản thân từng ba năm ở trong quân đội.

Tsonga, sinh ra trong một người Pháp nhập cư, được truyền cảm hứng từ Yannick Noah, cũng là một nhà vô địch Grand Slam nhưng thành tích ấy của ông vốn chỉ là kết quả của sự thăng hoa đột biến nên ông chưa bao giờ đứng ngôi số 1 thế giới và cũng chẳng thể vào tới chung kết Grand Slam một lần nào nữa.

Tsonga không lãng phí tài năng và không sắm vai một “gã khùng” trên sân như Monfils nhưng anh không phải là một tay vợt dược đánh giá cao về tâm lý thi đấu. Cuộc lội ngược dòng trước Federer ở Wimbledon 2011 sau khi thua trước hai set chỉ là một điểm son hiếm hoi trong khi việc anh dễ dàng thất bại sau những chiến thắng vang dội lại xảy ra thường xuyên (như ở Roland Garros 2013). Cách thất bại ấy hiếm khi xảy ra với các tay vợt đẳng cấp mà chỉ thường thấy ở các tay vợt trẻ.

Nếu biết rằng kể từ năm 2012 tới trước Rogers Cup, Tsonga mới chỉ có 4 chiến thắng trước các tay vợt nằm trong top 10 thế giới trong khi bản thân anh đã từng ở trong top 10 gần như liên tục suốt hơn năm năm thì đây chính là một trong những tay vợt để lãng phí tài năng nhất trong hai thập kỷ qua.

Tsonga: Là tay vợt da màu vĩ đại thật khó - 2

Tsonga vẫn có cơ hội để ít nhất 1 lần vô địch Grand Slam

Một Grand Slam cho Tsonga chăng?

Chỉ trong vòng một tuần ở Toronto, Tsonga đã đánh bại được bốn tay vợt trong top 10. Anh hạ Djokovic, rồi Murray sau đó tới Dimitrov và cuối cùng là Federer. Đó là một con đường cực kỳ chông gai dù cho Djokovic có vẻ bị ảnh hưởng từ chuyện mới cưới vợ và nghỉ quá dài, Murray thì không bắt nhịp kịp do thiếu trận đấu để đạt phong độ, Dimitrov vẫn đang tiến bộ và học hỏi còn Federer vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 33.

Tsonga tự nhận và nhiều người cũng nói rằng anh đã chơi thứ tennis hay nhất trong sự nghiệp của mình. Một thứ tennis tấn công mẫu mực nhất có thể để Federer chơi rất hay, giao bóng cực tốt trên “mặt sân Toronto nhanh nhất trong năm năm qua“ (lời Federer) cũng không thể “xin” thêm được một set.

Đó là sự kết hợp giữa thăng hoa và ổn định, hai phẩm chất mà nếu được bộc lộ thường xuyên sẽ tạo nên đẳng cấp.

Đó cũng có thể là kết quả của việc Tsonga tìm ra giải pháp thích hợp từ việc thuê cặp HLV Thierry Ascione và Escude sau khi chia tay với Roger Rasheed (cựu HLV của Hewitt, Monfils và nay là của Dimitrov) từ cuối năm ngoái.

Nhưng với Tsonga thì dù anh đã 29 tuổi chúng ta vẫn phải chờ xem từ sau thành tích kỳ diệu này (11 năm qua chỉ có các tay vợt top 4 vô địch Rogers Cup), anh sẽ đi về hướng nào.

US Open cuối tháng này khởi tranh có thể là quá sớm và Grand Slam luôn là một đấu trường đòi hỏi những phẩm chất tối ưu và ở đó các tay vợt hàng đầu thường có phong độ tốt hơn hẳn so với các giải khác.

Nhưng 29 tuổi với Tsonga cũng không phải là quá muộn. 29 tuổi Wawrinka, người có những tố chất có vẻ hạn chế hơn mới vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp thì Tsonga vẫn có thể chưa đánh mất những phẩm chất cần thiết cả về thể lực lẫn kỹ thuật trong một hoặc hai năm nữa. Rogers Cup hoàn toàn có thể là một bệ phóng cực tốt cả về sự khích lệ tâm lý cũng như sự tự tin.

Vấn đề là Tsonga làm tất cả cho mục tiêu tối thượng Grand Slam hay không thôi.

Video Tsonga thắng Federer ở CK Rogers Cup 2014: