Tại ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Việt Nam từng đặt chỉ tiêu thành tích khá cao, nhưng rốt cuộc chỉ giành được 1 HCV của VĐV Lê Bích Phương (Karatedo).
Một ví dụ Tiền Phong từng đề cập là đội tuyển bắn cung do chuyên gia người Hàn Quốc Lee Hang Yong huấn luyện. Dù không tham dự ASIAD 2014, nhưng đội tuyển của ông Lee Hang Yong vẫn được cử sang tập huấn tại Hàn Quốc. Đội hình chính được xác định sẽ tham dự ASIAD trong khi đó vừa qua vẫn đang phải tập luyện ở Việt Nam. Vì lý do này, nội bộ môn bắn cung đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, có sự khuất tất về vấn đề tài chính trong quá trình triệu tập đội tuyển, thuê chuyên gia nước ngoài.
Đơn thư nặc danh tố cáo lãnh đạo bộ môn được gửi đi rất nhiều nơi, gây ầm ĩ. Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT đã phải vào cuộc tìm hiểu, dàn xếp vụ việc. Để thuê chuyên gia Lee Hang Yong, mỗi tháng Việt Nam phải trả 3.300 USD tiền lương, chưa kể các khoản “mềm” khác như ăn ở, phiên dịch, đi lại…
Trường hợp khác bị nhắc đến suốt thời gian vừa qua là bộ môn điền kinh, với trọng tâm là chuyến tập huấn tại Mỹ của đội tiếp sức 4x400m nữ. Do bất đồng trong khâu lên kế hoạch, chương trình tập huấn của đội tuyển điền kinh đã bị rút ngắn thời gian, thay đổi địa điểm tập huấn và hiện bị chỉ trích là không hiệu quả.
Thậm chí có thông tin vì việc này, nội dung 4x400 nữ có thể sẽ không được đăng ký dự ASIAD 2014. Trong khi đó, số tiền Tổng cục TDTT dành cho điền kinh lên tới hàng tỷ đồng.
Bóng bàn bị gạt khỏi danh sách tham dự Asiad 2014 nhằm “tiết kiệm kinh phí”, dù đã thuê chuyên gia ngoại. ảnh: VSI
Mới đây nhất, môn bóng bàn, một trong những môn được người hâm mộ quan tâm cũng không được đăng ký tham dự ASIAD 2014 do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn dù đã phải tốn rất nhiều tiền để thuê chuyên gia nước ngoài.
Cụ thể, môn bóng bàn từng có tên trong danh sách dự kiến các môn được đăng ký tham dự ASIAD 2014. Để chuẩn bị, Bộ môn bóng bàn và Liên đoàn bóng bàn đã lên phương án thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện. Sau khi được Triều Tiên tiến cử, Việt Nam đã quyết định ký hợp đồng với 2 chuyên gia là Ri Jong Sik (58 tuổi) và Ju Se Il (28 tuổi).
Kế hoạch ban đầu, hai chuyên gia trên sẽ có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2014. Nhưng rốt cuộc, đến tháng 4/2014, sau rất nhiều lần Tổng cục TDTT thúc giục, 2 ông Ri Jong Sik và Ju Se Il mới xuất hiện. Kết quả, trong gần 3 tháng trời các VĐV đội tuyển bóng bàn phải tập luyện trong trạng thái “chờ thầy”.
Mọi việc đến đấy vẫn chưa xong xuôi khi sang Việt Nam, 2 chuyên gia Triều Tiên bị thiếu giấy tờ nên liên tục phải xin visa ngắn hạn để làm việc. Công tác huấn luyện cho các VĐV vì vậy cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, khi học trò mất tập trung còn thầy cũng phải “chạy đôn, chạy đáo” lo giấy tờ, thủ tục. Số tiền Tổng cục TDTT phải chi cho 2 chuyên gia Triều Tiên cũng lên đến hàng nghìn USD/tháng.
Bỏ ra hàng nghìn USD thuê chuyên gia ngoại, nhưng rốt cuộc bóng bàn vẫn bị loại khỏi danh sách đăng ký tham dự ASIAD 2014. Một tuyển thủ bóng bàn ngán ngẩm nói, việc không tham dự ASIAD sẽ tác động mạnh tới quá trình tập luyện sau này của các VĐV.
“Chúng tôi vẫn hy vọng được tham dự ASIAD bởi đây là đấu trường lớn, 4 năm mới diễn ra một lần. Việc được thi đấu với các đối thủ mạnh sẽ giúp VĐV tích lũy kinh nghiệm, thi đấu tự tin hơn khi tham dự giải trong khu vực. Việc không được dự ASIAD thực sự rất đáng tiếc”-VĐV trên cho biết.