Không kém về mặt thành tích
Nếu so với một số triều đại của các HLV khác trong thời gian gần đây, HLV Miura không hề thua kém, nếu không muốn nói là có một số điểm nhỉnh hơn. Vị HLV người Nhật khởi đầu triều đại của mình với các đội tuyển Việt Nam bằng việc đưa đội tuyển Olympic vào vòng knock-out môn bóng đá nam Asiad 2014 (lần thứ 2 bóng đá Việt Nam làm được điều này, sau lần đầu tiên với HLV Calisto năm 2010).
Sau đó, đội tuyển quốc gia vào bán kết AFF Cup cùng năm, sau khi chính đội này bị loại ở vòng bảng AFF Cup 2012, dưới thời HLV Phan Thanh Hùng.
Tiếp đến, đội tuyển U23 của HLV Miura giành HCĐ SEA Games 2015, sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp trắng tay (thua trong trận tranh HCĐ ở SEA Games 2011, dưới thời HLV Falko Goetz, bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2013, dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc).
Ngoài ra, cũng đội U23 ấy giành quyền vào VCK U23 châu Á 2016, rồi đội tuyển quốc gia cũng giành quyền vào vòng loại thứ 2 Asian Cup 2019, sau khi chúng ta từng nhận kỷ lục đáng xấu hổ là thua 5 trận liên tiếp tại vòng loại Asian Cup 2015, cũng dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc.
Có nghĩa là về mặt thành tích, HLV Miura không đến nỗi tệ, không có đội bóng nào của vị HLV người Nhật thiếu khả năng cạnh tranh ở mọi giải đấu mà ông dẫn quân tham gia.
Dĩ nhiên, so với ngôi vô địch AFF Cup 2008 mà HLV Calisto từng thực hiện, hoặc việc lọt vào vòng knock-out giải vô địch châu Á 2007 mà HLV Riedl từng có, HLV Miura chưa có được. Tuy nhiên, cũng phải công bằng ở điểm lực lượng của bóng đá Việt Nam lúc này mà HLV Miura đang sở hữu thua xa thế hệ quá đồng đều của thế hệ năm 2007 – 2008, giữa sự sa sút chung về mặt nhân sự trong bóng đá Việt Nam.
Vả lại, ngay ở thời điểm hiện tại, nếu HLV Calisto hay HLV Alfred Riedl nắm đội tuyển Việt Nam với lực lượng hiện nay, có khi họ cũng không dám chắc họ có thực hiện lại được điều mà họ từng thực hiện hay không.
Nhưng vẫn chưa chắc được gia hạn hợp đồng
HLV Miura hoàn thành hầu hết các mục tiêu về mặt thành tích mà VFF giao cho ông, thậm chí còn giúp các đội tuyển Việt Nam thay đổi tâm thế ở một số giải đấu cấp châu lục trở lên mà chúng ta tham dự. Dù vậy, việc HLV này có được gia hạn hợp đồng hay không vẫn là điều chưa chắc chắn.
Ngay trong hàng ngũ các lãnh đạo chóp bu của VFF vẫn có những nhận định trái chiều về năng lực của HLV Miura. Người phản đối vị HLV người Nhật công khai nhất và mạnh mẽ nhất là phó chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức.
Bầu Đức không hài lòng về lối chơi của đội tuyển Việt Nam do HLV Miura xây dựng, với quan điểm rằng lối chơi ấy không đẹp. Bầu Đức cũng không hài lòng chuyện vị HLV người Nhật ít gọi một số cầu thủ đang nổi đình nổi đám ở CLB HA Gia Lai là Công Phượng hay Tuấn Anh lên đội tuyển.
Và không thể nói là những phát biểu của bầu Đức trên các phương tiện truyền thông không gây áp lực cho HLV Miura trong thời gian vừa rồi.
Chọn hay không chọn Công Phượng, Tuấn Anh trong thời gian vừa rồi là điều khiến vị HLV người Nhật khó nghĩ? Dùng hay không dùng các cầu thủ ấy? Dùng bao lâu trong mỗi trận? Để họ hoạt động như thế nào? – Đều là các vấn đề mà HLV Miura dễ vấp phải sự chỉ trích từ phía một bộ phận người xem vốn đã phát cuồng vì những cầu thủ này.
Rồi luôn có những so sánh giữa lối chơi của HA Gia Lai do HLV Graechen Guillaume xây dựng so với lối chơi khá thực dụng ở đội tuyển dưới thời HLV Miura, khiến ông thầy người Nhật chịu sức ép. Dù người ta cũng không nói rõ suốt thời gian qua, HA Gia Lai đã tiến bộ đến đâu? Hoặc đội bóng này có thật hiệu quả như yêu cầu bắt buộc của bóng đá đỉnh cao hay không?
HLV Miura vẫn tồn tại ở đội tuyển cho đến giờ thì không thể nói ông không có sự hậu thuẫn từ phía một vài lãnh đạo chủ chốt khác của VFF. Tuy nhiên, hợp đồng của HLV Miura có được gia hay không phụ thuộc rất lớn vào màn trình diễn của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2016, diễn ra ngay đầu năm.