Wawrinka, Cilic, Nishikori: Đừng chỉ 1 phút huy hoàng

Ngày đăng 25/12/2014 10:33

Năm 2014 đánh dấu sự trỗi dậy của một số tay vợt để phá vỡ sự thống trị của nhóm Big 4 (Djokovic – Federer – Nadal – Murray). Wawrinka vô địch Australian Open, Cilic đăng quang tại US Open, còn tay vợt đến từ Nhật Bản – Nishikori đã chứng minh người châu Á cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng với những tay vợt hàng đầu thế giới (từng đánh bại cả Djokovic và Federer). Nhưng người hâm mộ (NHM) cần nhiều hơn thế để làng banh nỉ tránh khỏi sự nhàm chán đã kéo dài nhiều năm qua.

Wawrinka

Wawrinka đã cho thấy Thụy Sỹ không chỉ có Federer mới làm rạng danh xứ sở “đồng hồ”. Sở hữu cú trái một tay cũng rất đẳng cấp giống Federer, Wawrinka đã lần đầu tiên giành được một danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp, đó là chức vô địch Australian Open 2014 đầy thuyết phục.

Wawrinka (trái) đăng quang đầy thuyết phục tại Australian Open 2014, nhưng sau đó trong phần lớn mùa giải đã không thể hiện được nhiều

Trên con đường chinh phục Úc mở rộng 2014, Wawrinka đã đánh bại những tay vợt hàng đầu như Djokovic (tứ kết), Berdych (bán kết), Nadal (chung kết). Tiếp đó, Wawrinka đăng quang tại Monte Carlo Masters (đánh bại Federer trong trận chung kết). Những chiến tích đó đã từng giúp Wawrinka vươn lên số 3 thế giới (xếp trên cả Federer).

Nhưng quãng thời gian tay vợt 29 tuổi thăng hoa không kéo dài được lâu. Wawrinka bị loại ngay ở vòng 1 Roland Garros, vào đến tứ kết Wimbledon và US Open (những giải Grand Slam tiếp theo của năm). Thành tích tốt nhất của Wawrinka ở các giải Masters 1000 sau đó cũng chỉ là tứ kết Cincinnati Masters.

Wawrinka chỉ phần nào lấy lại được phong độ khi lọt vào bán kết ATP World Tour Finals (thua Federer) và giúp ĐT Thụy Sỹ vô địch Davis Cup. Nhưng đó vẫn chưa phải là những gì tốt nhất Wawrinka có thể chứng minh trên sân. Duy trì phong độ đỉnh cao trong một thời gian dài mới là điều tay vợt 29 tuổi cần phải làm được để chinh phục những danh hiệu cao quý tiếp theo.

Marin Cilic

Chưa từng giành được 1 danh hiệu Masters 1000 nào trước năm 2014 chứ đừng nói đến Grand Slam, nhưng tay vợt người Croatia đã “lên đồng” tại US Open. Dưới sự hướng dẫn của HLV Goran Ivanisevic, Cilic đã phát huy được những điểm mạnh nhất của mình đó là những cú giao bóng sấm sét và thuận tay uy lực. Đánh bại Berdych ở tứ kết, thắng huyền thoại Federer chỉ sau 3 set đầy kinh ngạc ở bán kết (6-3, 6-4, 6-4) và tiếp đó hạ gục Nishikori ở chung kết, Cilic đã đăng quang tại Flushing Meadow đầy bất ngờ nhưng cũng rất thuyết phục.

Dù vậy, xem ra Cilic đang đi trên con đường của ông thầy Goran Ivanisevic (chỉ giành duy nhất 1 Grand Slam trong sự nghiệp đó là Wimbledon 2001). Sau khi vô địch US Open, Cilic sa sút một cách thảm hại với liên tục các thất bại ở các giải đấu tiếp theo, trong đó có 3 trận toàn thua tại ATP World Tour Finals (vòng bảng).

Wawrinka, Cilic, Nishikori: Đừng chỉ 1 phút huy hoàng - 2

Cilic (phải) tụt dốc không phanh sau chức vô địch US Open 2014, còn Nishikori (trái) duy trì được tính ổn định trong cả một mùa giải kéo dài

Kei Nishikori

Tay vợt người Nhật Bản chính là niềm tự hào của châu Á nhờ thành tích lọt vào chung kết US Open (tay vợt nam châu Á đầu tiên làm được điều này) sau khi vượt qua tay vợt số 1 thế giới Djokovic đầy thuyết phục ở bán kết. Nhưng đây không phải là khoảnh khắc lóe sáng duy nhất của Nishikori trong năm 2014 thăng hoa.

Dưới sự hướng dẫn của HLV Michael Chang (cựu số 2 thế giới từng vô địch Roland Garros vào năm 1989), Nishikori đã có rất nhiều tiến bộ về mặt kĩ chiến thuật để vươn tầm trở thành một tay vợt hàng đầu thế giới. Việc đánh bại những tay vợt hàng đầu như Djokovic, Federer, Ferrer, Berdych cho thấy tay vợt người Nhật Bản đủ sức giành 1 Grand Slam trong tương lai nếu cứ tiếp đà tiến bộ như hiện nay.

4 danh hiệu trong năm 2014, lọt vào chung kết US Open, bán kết ATP World Tour Finals, chung kết Madrid Masters và bán kết Miami Masters – Paris Masters đã giúp Nishikori kết thúc năm với vị trí số 5 thế giới, điều mà có lẽ ngay bản thân tay vợt người Nhật Bản cũng không dám nghĩ đến trước khi mùa giải 2014 khởi tranh.