Nhóm đàn ông bám lấy nhau để lên chiếc xe buýt thoáng cái đã chật ních. Số khác đứng lên bánh xe để cố gắng chui qua cửa sổ vào bên trong. Trong lúc chen chúc, gót giày của họ để lại trên thân xe những vết xước chằng chịt.
Đó không phải thảm cảnh của những người tị nạn. Họ là công nhân nhập cư ở quốc gia đăng cai World Cup 2022, Qatar, đang chiến đấu để kiếm vài đô la lẻ. Công việc của họ là: đóng giả làm người hâm mộ thể thao.
Người Qatar khoe họ phát điên vì thể thao và có niềm đam mê thực sự với môn túc cầu. Người đứng đầu quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ và khí đốt rất yêu thích bóng đá, bởi vậy, ông đã mua đội bóng của Pháp Paris Saint-Germain.
Năm 2010 khi vận động hành lang để giành quyền đăng cai World Cup, mẹ của quốc vương Qatar từng chia sẻ: "Với chúng tôi, bóng đá không chỉ là một trò chơi hay một môn trong số nhiều bộ môn khác, mà là nền thể thao".
Nếu niềm đam mê không đủ lớn để kéo người dân ra sân xem bóng đá thì đã có tiền giúp họ làm việc ấy. Khi người dân giàu thứ hai thế giới, tính theo đầu người, không có thời gian hoặc cảm thấy phiền vì phải có mặt ở sân thì các lao động nhập cư sẽ được trả tiền để thế chỗ họ.
8 USD không đủ mua một cốc bia trong khách sạn sang trọng ở Doha, nơi giới thượng lưu Qatar hay lui tới. Tuy nhiên, để có được số tiền thù lao này, người lao động đến từ châu Phi và châu Á phải chạy hùng hục như con ong chăm chỉ dưới ánh nắng mặt trời ở khu công nghiệp Doha để vây quanh chiếc xe buýt vẫn đang lăn bánh. Họ được đưa đến các trận bóng chuyền, bóng ném và bóng đá chỉ để vỗ tay, tạo sóng mà chẳng có chút nhiệt tình nào trên khuôn mặt. Thậm chí, họ còn mặc những chiếc áo màu trắng, quấn khăn quanh đầu như người Qatar để làm xôm tụ thêm cổ động viên "đội nhà".
Phóng viên của AP có dịp chen lên một trong ba chiếc xe buýt chở khoảng 150 công nhân, ngang qua những chiếc xe sang chen chúc trên đường và các tòa biệt thự tráng lệ, để đóng giả làm fan (người hâm mộ) cho một giải đấu bóng chuyền quốc tế mở rộng bên bãi biển hồi tháng 11.
Những người nhập cư, phần lớn là lái xe taxi, xe buýt cho công ty vận tải nhà nước hoặc tư nhân, đến từ Ghana, Kenya, Nepal hay bất cứ đâu đều tiết lộ với phóng viên rằng họ có mặt ở hàng ghế khán giả là vì tiền, chứ không phải vì niềm đam mê bóng chuyền.
Thông tin về công việc được trả tiền nhanh chóng lan nhanh trong các khu nhà trọ đông đúc của họ. Lúc 14h30, đám đông nam giới được nghỉ việc tụ tập bên ngoài, đứng lẫn trong đám bụi bị những chiếc xe tải và xe nâng khuấy lên. Một vài người trông thấy chiếc xe buýt đầu tiên từ đằng xa. Chiếc xe nhanh chóng chẳng còn chỗ trống. Chiếc thứ hai, thứ ba đến, và vẫn cảnh tượng giành giật nhau khoảng trống để lên xe.
Khi đã ở trên xe, đám đàn ông thở hổn hển chen chúc trên ghế, thậm chí còn ngồi cả lên nhau. Trên xe không có dây an toàn và chiếc quạt cũng bị hỏng. Một người chậm chân không kịp tranh ghế đành phải nhấp nhổm trên sàn xe. Trông thấy cảnh sát giao thông, lái xe quát lớn "ngồi xuống" khiến anh phải thu mình lại.
Sau đó, từng người một đọc vanh vách số của mình cho một người đàn ông ghi lại chi tiết trên mảnh giấy nhăn nhúm. Các công nhân cho hay ông ấy làm vậy để chắc chắn mình trả tiền cho ai. Đến câu lạc bộ thể thao Al Gharafa, công nhân xuống xe rồi đứng xếp hàng. Một nam giới mặc quần áo truyền thống của người Qatar vỗ vai từng người để đếm.
Giới chức của Hội bóng chuyền Qatar từ chối trả lời câu hỏi của AP về các fan đi thuê, và với tay tắt thiết bị ghi âm của phóng viên. Sau đó, giám đốc truyền thông của Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB), Richard Baker, đã cảm ơn AP vì đã phanh phui việc cổ động viên giả và nói rằng liên đoàn sẽ "làm sáng tỏ" sự việc.
"Đó là thông tin cho chúng tôi", ông Baker nói.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát diễn ra với hơn 1.000 người dân nước này do Bộ Kế hoạch phát triển và Thống kê cho hay fan được trả tiền có thể sẽ khiến nền thể thao của Qatar đi xuống.
Bộ này tiết lộ 2/3 người Qatar được hỏi thừa nhận chưa tới xem bất kỳ một trận bóng đá nào trong suốt mùa giải trước. Ngoài ra, "sự lan rộng của các fan đi thuê" được xem là nguyên nhân quan trọng khiến người dân xa rời hàng ghế khán giả.
Nhiều người nói đi xem thể thao chán ngắt nhưng với Adu, một tài xế xe buýt tập sự đến từ Ghana, "đứng giữa đám đông để hò hét và nhảy múa" thật vui.
"Có mặt ở đây và được trả tiền giúp tôi có thêm thu nhập".
Sau khi trận đấu kết thúc, các công nhân nhập cư phải ngồi chờ gần ba tiếng trong bóng tối, trên bãi đất cằn cỗi gần khu thi đấu để đợi xe buýt đón về. Ba người trong số họ xác nhận kiếm được gần 8 USD tiền mặt. Tính ra, mỗi giờ họ đút túi hơn 1 USD.
Theo Bình Minh