Hợp đồng của HLV Miura với VFF còn thời hạn đến hết tháng 4/2016. Trong thời gian thực hiện bản hợp đồng kéo dài 2 năm, cựu bình luận viên bóng đá này đã hoàn thành các chỉ tiêu do VFF đưa ra khi ĐTVN vào bán kết AFF Cup 2014, đội U23 giành HCĐ SEA Games 28.
Ngoài ra, ông còn đưa đội Olympic vào vòng 1/8 Asian Games, đội U23 lọt vào VCK châu lục, còn đội tuyển quốc gia vẫn duy trì hy vọng lọt vào VCK Asian Cup 2019. Như vậy, ông Miura không chỉ hoàn thành mà còn vượt qua tất cả mục tiêu trong hợp đồng.
Điểm khiến HLV Miura bị chỉ trích nhiều nhất là lối đá kém thuyết phục và chiến thuật không phù hợp với sở trường, sở đoản của cầu thủ Việt Nam. Đây là những lý do định tính và không thể đưa ra để xem xét cắt hợp đồng.
Thế nên xét về lý, VFF chưa có đủ điều kiện để thương thảo chấm dứt hợp đồng với nhà cầm quân người Nhật trừ khi tổ chức này đơn phương chia tay. Theo tiết lộ của một lãnh đạo VFF, trong trường hợp chủ động chia tay, VFF phải đền bù số tiền lớn cho HLV Nhật Bản, con số này lên tới tiền tỷ.
Thông tin về tiền lương của HLV Miura vẫn bí mật nhưng được biết, thu nhập sau thuế mà ông nhận về không ít hơn con số trả cho các HLV Riedl và Calisto trước đây là khoảng 15.000 USD. Nếu tính thêm tiền thuế, chi phí nhà ở, di chuyển..., tổng số tiền VFF phải trả mỗi tháng lên tới gần 25.000 USD.Trong trường hợp phải đền bù toàn bộ 6 tháng hợp đồng còn lại, số tiền VFF phải trả sẽ không dưới 2 tỷ đồng. Được biết, tiền lương VFF trả cho HLV Miura được hỗ trợ từ phía Nhật Bản. Ngoài ra, Tổng cục TDTT cũng hỗ trợ Liên đoàn khoảng 10.000 USD mỗi tháng.
Ngay cả khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài, số tiền phải trả khi chia tay HLV người Nhật cũng không nhỏ. Đó có thể là một trong những lý do khiến VFF chần chừ trong quyết định về tương lai của ông Miura.
Thêm nữa, ĐT Việt Nam cũng chỉ còn 2 trận ở Vòng loại Word Cup 2018 nên có nhiều ý kiến đề nghị VFF hỗ trợ ông Miura hoàn thành nốt 2 trận với Đài Loan (Trung Quốc) và Iraq trong tháng 3/2016. Sau đó, dựa trên những gì các đội bóng do HLV này dẫn dắt thể hiện ở VCK U23 châu Á và Vòng loại World Cup 2018, VFF sẽ xem xét khả năng gắn bó với HLV người Nhật Bản.
Một trở ngại không nhỏ với VFF là nếu sa thải ông Miura cũng chưa thể tìm ngay được phương án tốt hơn. Nếu thuê HLV ngoại có trình độ cao hơn HLV Miura, đòi hỏi chi phí rất lớn như trường hợp cựu vô địch thế giới 1998 Marcel Desailly yêu cầu tiền lương hơn 50.000 USD mỗi tháng.
Trong khi đó, các HLV nội được nhắm đến trước đây như Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng đều không mặn mà.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với độc giả mới đây, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng nêu những hạn chế của các HLV nội: "HLV trong nước phải chịu áp lực hơn rất nhiều lần so với HLV ngoại. Do họ thường xuất thân từ một CLB nên dư luận đặt ra vấn đề họ có công tâm trong việc lựa chọn cầu thủ hay không. Việc này ảnh hưởng không chỉ đến với HLV mà còn gây áp lực với các thành viên của gia đình họ. Đấy là một trong những khó khăn lớn của HLV nội".
Ngược lại, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức ủng hộ phương án chọn HLV nội. Bầu Đức cho rằng, VFF cần tạo điều kiện tối đa để các HLV nội tài năng dám đảm đương trọng trách HLV trưởng ĐTQG. Theo ông bầu này, nếu được tìm hiểu tâm tư và có cơ chế phù hợp để đưa HLV nội giỏi nhất lên dẫn dắt, ĐT Việt Nam sẽ không đến nỗi yếm thế như thời gian qua.