Bóng đá Việt Nam đang thiếu gì?
Tầm mức của cuộc hội thảo này thậm chí được đẩy lên như một “Hội nghị Diên Hồng”, mở ra hướng phát triển cho bóng đá Việt Nam. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết hội nghị sẽ tập trung vào 3 vấn đề quan trọng. Một là công tác đào tạo cầu thủ, xây dựng lực lượng cho các CLB, đội trẻ và đội tuyển quốc gia. Hai là đóng góp ý kiến về cách thức tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp. Ba là thảo luận về cách xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông.
Thoạt nghe thì mừng, bởi bóng đá Việt Nam vừa qua xảy ra nhiều vấn đề không khỏi khiến dư luận lo lắng. Đối với giải VĐQG là tình trạng thi đấu bạo lực, dấu hiệu xin-cho giữa các CLB vào cuối mùa giải. Đội tuyển quốc gia thì thi đấu chưa thực sự thành công ở Vòng loại World Cup 2018, gắn liền với những hoài nghi về năng lực của HLV trưởng Toshiya Miura. Đáng buồn hơn là trong khi đó lại xuất hiện thông tin nội bộ lãnh đạo LĐBĐVN (VFF) thiếu đoàn kết và nhất trí. Và phải nói ngay rằng, đây là vấn đề có thực, gây nhiều nguy cơ nhất đối với bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại.
Thực tế này thể hiện ngay qua cách trả lời của Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ mới đây. Ông Gụ khi trả lời chất vấn của truyền thông đã giải thích rằng VFF không mất đoàn kết mà “chỉ chưa đoàn kết cao”. Đây rõ ràng là một cách nói tránh. Hay như việc Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức liên tục đưa ra các phát ngôn…tấn công vào V.League và các quyết định của VFF, đến mức người ta không thể phân biệt được khi nào ông Đức đóng vai Chủ tịch HA.GL và khi nào là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, một trong 3 vị trí quan trọng nhất trong liên đoàn.
Với các phát biểu của mình (ông Đức nói chỉ mang tính chất cá nhân), bầu Đức đã tách hẳn với phần còn lại của VFF, như rằng ông không liên quan và không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với các vấn đề kể trên.
Nhiều bất ổn
Dẫn các ví dụ trên để cho thấy nếu Tổng cục TDTT không làm được một công việc quan trọng, là điều hoà các mối quan hệ ở VFF hiện tại, thì hội nghị sắp tới nhiều khả năng sẽ vô tác dụng. Lý do bởi các ý kiến góp ý trong hội nghị, để triển khai trong thực tế bắt buộc phải thông qua các quyết định cụ thể từ phía VFF. Với tình trạng “chưa đoàn kết cao” như hiện tại, thật khó tin VFF có thể giải quyết được các tồn tại của bóng đá Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là song song với thông tin về một “Hội nghị Diên Hồng” do Tổng cục TDTT lĩnh xướng, một bộ phận có xu hướng bôi đen bóng đá Việt Nam. Người ta quên phắt thực tế là các đội tuyển trẻ Việt Nam như U16, U19, U23 vừa qua đều đạt được thành tích cao ở châu lục. SEA Games và AFF cup, 2 mặt trận quan trọng nhất trong khu vực cũng đánh dấu sự thăng tiến của bóng đá Việt Nam so với các kỳ trước đó. Trong nước, các CLB bắt đầu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ hơn, với hàng loạt các trung tâm đào tạo như Viettel, PVF, HA.GL, Hà Nội T&T… Điều này dẫn đến những lo ngại về một cuộc tranh quyền, đoạt lợi đang ngấm ngầm diễn ra trong bóng đá.
Nói đến đây lại nhớ đến việc, Tổng cục TDTT lâu nay tiếng là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng các vấn đề liên quan đến bóng đá vốn dĩ hoàn toàn do VFF tự chủ. Không bàn đến vấn đề cơ chế, hay việc trao quyền tự chủ cho các liên đoàn, hiệp hội vốn là chủ trương, thì dù muốn, Tổng cục TDTT cũng khó lòng “nắn” được VFF do thiếu hẳn những nhân vật đủ tầm, có kiến thức chuyên môn về bóng đá. Người có uy tín nhất đối với bóng đá, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn thì từ lâu đã rút lui, gần như không can dự vào vấn đề gì.
Nói đâu xa, bộ môn Bóng đá từ lúc ông Mai Đức Chung thôi chức Trưởng Bộ môn nhiều năm trước, Tổng cục cũng chưa tổ chức được cho quy củ, hoạt động có hiệu quả. Giới trong cuộc nói vui bộ môn chỉ lo công việc chính là đưa đi, đưa lại công văn giấy tờ từ 2 phía.