Phóng sự về định hướng nghề nghiệp sau khi giải nghệ của các VĐV (bản quyền video thuộc VTV):
Định hướng nghề nghiệp đối với các VĐV sau khi họ nghỉ thi đấu là một trong những chủ đề gây nhức nhối với ngành TDTT quốc gia. Đã không ít trường hợp các VĐV thi đấu đạt thành tích cao cho thể thao nước nhà lại chật vật mưu sinh khi giải nghệ. Những trường hợp của các VĐV như Trần Xuân Hiền (bơi lội), Lê Thị Huệ (vật) hay Vũ Bích Hường (điền kinh) là những bài học mà các thế hệ VĐV nối tiếp cũng như ngành thể thao không muốn lặp lại.
Một trong những con đường được các VĐV theo đuổi sau khi dừng thi đấu là công tác huấn luyện, và một vài người đã may mắn được nhận những công việc làm HLV trưởng hay trợ lý ở các đội tuyển quốc gia. Một số địa phương cũng có chế độ đãi ngộ, mời các VĐV xuất sắc của mình về công tác. Tuy nhiên những vị trí này số lượng có hạn, chưa kể thu nhập một vài nơi không đủ sống hoặc rất thiếu tương xứng với giá trị đóng góp, buộc nhiều VĐV phải tìm kiếm con đường khác như qua bằng cấp hay kinh doanh.
VĐV Phan Thị Hà Thanh đang hy vọng vào nghiệp giảng dạy sau khi chấm dứt thi đấu
Qua khảo sát chung, hầu hết các VĐV đều mong muốn khi giải nghệ họ sẽ được tiếp tục gắn bó với môn thể thao của mình. Hai VĐV Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng của môn thể dục dụng cụ đều muốn theo nghiệp giảng dạy và do đó đang tích cực trang bị kiến thức ở trường Đại học TDTT. Kỳ thủ Đoàn Thị Vân Anh thì muốn trở về Bắc Giang để dẫn dắt đội tuyển cờ vua tỉnh nhà trong khi kỳ thủ Bùi Trọng Hào sẵn sàng nhận công tác huấn luyện ở bất cứ đâu.
Trường Đại học TDTT Bắc Ninh là một điển hình về chế độ cho các cựu VĐV, phân ngành học ra làm đào tạo giáo viên thể dục và đào tạo HLV để đáp ứng nhu cầu của các VĐV theo học, cũng như có các chế độ tuyển sinh đặc biệt cho những VĐV xuất sắc trên ĐTQG.
Tuy nhiên đây chỉ là một ví dụ ít ỏi, các trung tâm đào tạo khác còn thiếu kế hoạch hoặc nếu có thì cũng chỉ làm theo mô hình nhỏ lẻ và chưa đa dạng ngành nghề cho VĐV lựa chọn. Một số địa phương chọn cách đi tắt, giới thiệu các VĐV tới các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng và đẩy trách nhiệm đào tạo kỹ năng làm việc cho họ.
Biểu đồ số lượng VĐV được trường Đại học Thể dục thể thao giữ lại giảng dạy. Hình ảnh cắt từ video VTV
Vậy còn các cầu thủ bóng đá, những người có thể thi đấu chuyên nghiệp để kiếm tiền và có tuổi đời thi đấu kéo dài hơn VĐV của các môn thể thao khác? Những người như cựu tiền vệ Nguyễn Văn Nghĩa hay hậu vệ Phùng Văn Nhiên đã chọn kinh doanh làm con đường kiếm sống ngoài bóng đá, thậm chí Văn Nhiên đang làm đồn điền ở Gia Lai dù vẫn đang thi đấu cho Hải Phòng.
Dù vậy họ chỉ là một số ít những người nghĩ xa, còn lại nhiều cầu thủ nhanh chóng rơi vào cảnh thất nghiệp khi treo giày, hay thậm chí phải làm nghề tay trái kiếm sống trong lúc chờ được một đội bóng đón nhận. Bóng đá chuyên nghiệp không phải là giấc mơ cho mọi người, một số cầu thủ còn phải đau đớn giải nghệ sớm do chấn thương.