Án phạt đầu đời & cái tôi của một tài năng
16 tuổi, nổi đình nổi đám tại VCK U.16 châu Á và trở thành một ngôi sao của BĐVN, 1 năm sau, Văn Quyến được gọi tập trung ĐT U.23 VN chuẩn bị SEA Games. Được tung hô và ca tụng, Quyến không thể kiểm soát được chính bản thân mình. Quyến bảo, giờ nghĩ lại đôi khi vẫn trách và tiếc vì không giữ được mình. Từ việc tự cho phép được và hưởng tâm thế của một ngôi sao, khi được cuộc sống ban tặng thành công và danh vọng quá sớm, đến việc không được trang bị kiến thức, bản lĩnh để bước vào thế giới bóng đá phức tạp với rất nhiều cạm bẫy đó là bài học mà mãi sau này, Quyến mới ngấm.
“Tôi còn nhớ như in cái ngày cùng Ánh Cường phải xách vali rời Tuyển, trong lần đầu được triệu tập để chuẩn bị cho SEA Games 2001. Tuổi trẻ nông nổi, nhiều khi bất chấp mọi thứ để thỏa mãn cái tôi với những cám dỗ. Sinh hoạt buông lỏng và không tập trung vào công việc, cái kết cho tôi là án kỷ luật và sự tai tiếng. Thấy tôi lười biếng, HLV Dido nhiều lần nhắc nhở và quát mắng, lần cuối cùng là án phạt ke bụng 400 lần. Buộc phải “thụ án” miễn cưỡng tôi đã tỏ thái độ bất hợp tác và ngay trong đêm BHL quyết định đuổi khỏi đội…
Ra về như một kẻ thất bại là vết hằn, khiến tôi không phục và bất mãn. Về CLB, tôi tiếp tục chịu án phạt kỷ luật nội bộ và đến tận bây giờ vẫn chưa thể quên điều đó, khi phải cắt cỏ sân Vinh trong 2 tuần. Vì cảm giác xấu hổ, vì tổn thương và sĩ diện hão, tôi không muốn hạ thấp mình trước đồng đội nên cứ ăn cơm xong, khi mọi người nghỉ trưa tôi lầm lũi một mình ra sân cắt cỏ và trở về khi đồng đội tỉnh giấc”, Quyến nhớ lại án phạt đầu tiên khi bước chân vào bóng đá đỉnh cao.
Đến thời điểm này khi mọi sóng gió qua đi, Quyến vẫn cho rằng đó vẫn là cú “sốc” với bản thân, bởi khi đó còn quá trẻ để hiểu biết về những hành động sai trái. Chính vì thế, những án phạt không đủ để thức tỉnh một cầu thủ trẻ, đang được tung hô với vị thế một ngôi sao. Với cá tính của mình, “thằng béo” vẫn “ngựa quen đường cũ”, tái phạm một cách có hệ thống trong những lần lên Tuyển tiếp theo. Trải qua các đời HLV Letard hay Tavares, Quyến vẫn không thay đổi khi giữ suy nghĩ, cách hành xử như một ngôi sao lớn để rồi tiếp tục là những lần bị loại cùng những scandal cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
“Mỗi lần vấp ngã, tôi luôn hận bản thân mình. Nếu như từ bài học năm 17 tuổi, tôi đứng vững để thay đổi thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Nhưng tuổi trẻ lúc đó, tôi gần như không dành thời gian để suy nghĩ. Tôi để cuộc sống cuốn đi, lao theo những vòng xoáy. Thế rồi, chỉ trong những khoảnh khắc rất mong manh, tôi đã mất tất cả một cách nghiệt ngã, khi vụ bán đội tại SEA Games 23 đã hủy hoại sự nghiệp, ở thời điểm sung sức nhất của tuổi trẻ”, Quyến kể với nỗi thất vọng với chính bản thân mình, khi anh không thể đứng dậy sau những lần vấp ngã.“Vì cảm giác xấu hổ, vì tổn thương và sĩ diện hão, tôi không muốn hạ thấp mình trước đồng đội, khi mọi người nghỉ trưa, tôi lầm lũi một mình ra sân cắt cỏ và trở về khi đồng đội ở CLB SLNA tỉnh giấc”.
Phạm Văn Quyến
Cho tới ngày hôm nay, Văn Quyến vẫn được thừa nhận là “thần đồng” xuất sắc nhất trong lịch sử BĐVN, người sở hữu tài năng thiên phú, có những tình huống đi bóng làm say đắm mọi con tim. Nhìn lại mình sau một quãng đường dài, Quyến bảo đôi khi xem, nghe về Công Phượng, thấy chia sẻ với một tài năng cũng đang được tung hô và có thể phải đối diện với không ít vấn đề như chính mình ngày nào.
Bài học không bao giờ cũ
“Những ghi nhận của dư luận, cách quan tâm của báo chí, với tôi ở thời điểm đó đơn giản chỉ là thừa nhận về tài năng của mình. Tôi kiêu hãnh và chỉ quan tâm đến bản thân mình, trong sự tung hô, chiều chuộng của quá nhiều người.
Nó là “con dao 2 lưỡi”, biết bao lời khuyên, cảnh tỉnh dành cho tôi những đi vào tai này thì đi sang tai kia. Mãi sau này, khi đủ lớn và có khoảng tĩnh nặng để suy nghĩ, tôi mới nghiệm ra rằng: Sự tung hô và những lời có cánh sẽ là động lực để bước tiếp nhưng cũng có thể khiến bạn đánh mất mình vì ảo tưởng. Thời điểm và hoàn cảnh đó, tôi chưa đủ trí tuệ lẫn điều kiện để ý thức vấn đề, nhất là khi quá trẻ và đầy kiêu hãnh…”.Trong câu chuyện của mình, Văn Quyến luôn thể hiện sự trân trọng với Công Phượng, người đàn em cũng là đồng hương mà nhìn vào đó, “cậu bé Vàng” của BĐVN ngày nào nhìn thấy chính hình bóng của mình.
Nói về đàn em Công Phượng, tài năng mới nổi cùng quê Nghệ An, Quyến cho rằng: “Thời thế khác nhau, nhất khi những cầu thủ như Công Phượng được ăn học bài bản, được giáo dục và dạy từ những cái nhỏ nhất. Có muốn bản năng và sống hoang dã như tôi cũng khó, bởi họ có nền tảng và môi trường để giữ gìn, biết đâu là giới hạn nghề nghiệp. Tuy nhiên, dù cậu ấy có được “mặc áo giáp” thì nó vẫn có thể chi phối cuộc sống và chính cái đầu. Điều tôi đúc kết từ chính bản thân mình sau những lần vấp ngã, đó là bạn phải nghe, phải đọc, phải học và phải đủ hiểu biết về chính bản thân mình”.
Dù vậy, Quyến cũng hy vọng sau bài học của lớp đàn anh, các cầu thủ trẻ sẽ tìm ra đáp án cho riêng mình để tồn tại, phát triển trong môi trường bóng đá. Quyến nói: “Với tôi, Công Phượng bây giờ là một cầu thủ đáng xem ở V.League. Cậu ấy có tài năng và cả một tương lai hứa hẹn phía trước”.
Năm 2011, do lười biếng trong luyện tập, Văn Quyến bị HLV Dido nhiều lần nhắc nhở và quát mắng. Khi phải “hít đất” 400 lần, Quyến đã tỏ thái độ bất hợp tác, và ngay trong đêm BHL quyết định đuổi Quyến khỏi Đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games