Cảm giác xa lạ, có chút ngờ vực làm ông Miura có phần lép vế khi mới trở thành HLV trưởng tuyển Việt Nam. Thói quen dùng HLV châu Âu hay Brazil trên băng ghế chỉ đạo tuyển Việt Nam khiến một người nhỏ thó, có cùng màu da như Miura chịu nhiều thiệt thòi. Có thể người Việt tôn sùng những thương hiệu Nhật nổi đình đám như Sony, Toyota…, nhưng bóng đá lại là một khái niệm khác. J.League có trở thành giải đấu hay nhất châu Á chăng nữa, trong con mắt người Việt Nam, nó chưa thể so sánh với các giải đấu lục địa già tràn ngập trên sóng truyền hình. Chính vì vậy, ngay cả khi ông Miura ra mắt bằng trận đại thắng Myanmar ở Thống Nhất, tài năng của Miura còn là dấu hỏi to tướng.
Gần 1 năm cầm quân tuyển Việt Nam, HLV Miura đã không còn trầm lặng, dù ông luôn giữ vẻ khiêm nhường, kiệm lời đúng tính cách của con người xứ mặt trời mọc. Kể cả khi gương mặt đã đen xạm đi sau những buổi rèn quân hay những cuộc chạy marathon mà ông Miura thường một mình một ngựa trải nghiệm. Thực tế, phía sau vẻ khiêm nhường ấy là sự rắn rỏi, cứng rắn đến kinh ngạc.
Có một câu hỏi thế này: ông Miura đã biết rằng người Việt không va chạm hoặc đúng hơn là “ưa nịnh”, tại sao ông vẫn đưa nhiều quan điểm gây sốc khi trả lời báo chí Nhật Bản? Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tuyên bố đón nhận nhận xét của ông Miura bằng sự... lịch thiệp. Chỉ có điều, đâu phải ai ở Việt Nam, nhất là VFF, cũng có cách nhìn nhẹ nhàng hóa sự việc giống như ông Dũng. Tức là sau này, ông Miura hoàn toàn có thể đối mặt với những va chạm, thậm chí chống đối.
Ở tuổi U60, ông Miura luôn thể hiện sự bền bỉ, thậm chí chẳng kém những học trò đang được ông kèm cặp ở đội tuyển. Nhà cầm quân người Nhật bảo rằng, đam mê điên cuồng với trái bóng giúp ông làm được như vậy. Dĩ nhiên, với đội tuyển Việt Nam hay bóng đá Việt Nam lúc này, tài như cỡ Mourinho thì chưa với được, nhưng nhất thiết phải có một người tận tụy, đam mê điên cuồng như Miura - người Nhật không trầm lặng.