US Open gần nhất Rafael Nadal tham dự là vào năm 2013. Ngày ấy, “Bò tót” với sự hưng phấn cao độ, đã xuất sắc đánh bại Novak Djokovic để đăng quang. Trớ trêu thay, chấn thương lại ngăn cản anh bảo vệ chức vô địch.
US Open 2015, Nadal hôm nay đã không còn là Nadal của 2 năm trước nữa. Anh bị giáng xuống hạt giống số 8 và trên hết, trải qua quãng thời gian đầy biến cố. Những nỗi sợ cũng từ đó hình thành, bủa vây lấy Nadal và những người yêu mến anh.
Nỗi sợ thất bại
2 tuần qua, Nadal liên tiếp bị đánh văng khỏi Rogers Cup và Cincinnati bởi những đối thủ yếu hơn (hoặc đã từng yếu hơn). Trước đó, một Dustin Brown vô danh cũng ra tay loại “Bò tót” ngay tại vòng 2 Wimbledon. Nhưng cơn ác mộng tồi tệ nhất lại đến từ hồi đầu hè.
Chấn thương đã qua, nhưng nỗi ám ảnh từ những đau đớn ấy vẫn còn nguyên vẹn với Nadal
Ngay trên "thánh địa" Roland Garros, Nadal để thua trận đầu tiên sau 6 năm (kẻ hạ gục anh không ai khác, chính là Novak Djokovic). Sê-ri thất bại ấy khiến người ta mau chóng quên đi những danh hiệu khiêm tốn mà Nadal giành được ở Hamburg, Stuttgart và Argentina Open.
Thêm một US Open thất bại nữa, đồng nghĩa Nadal sẽ trải qua thời kì đầu tiên trong 10 năm không giành được bất kỳ Grand Slam nào.
- Nadal nói gì? “Mỗi khi trở lại sân tennis, bạn nghi ngờ và có cảm giác rằng mình đang tạo ra một khoảng cách khá xa với phong độ trước đó.
Sẽ là kiêu ngạo nếu nói tôi đã sẵn sàng sau một mùa giải không tốt. Tôi không muốn vậy, tôi chỉ muốn mọi người biết rằng mình đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Nhưng cách duy nhất để chơi tốt hơn tất nhiên phải giành chiến thắng".
Nỗi sợ chấn thương
Lối đánh giàu thể lực giúp Nadal vươn lên đỉnh cao, nhưng kéo theo hệ quả xấu hơn khi liên tiếp chống chọi với cơn đau cổ tay, đau lưng, chứng bệnh ruột thừa dai dẳng. Những cú đánh thuận tay giờ đã kém uy lực hơn, bước di chuyển cũng không còn đủ độ tinh tế, mạnh mẽ. Trên hết, cơ thể nhiều di chứng bệnh tật giờ gần như “phản bội” chính Nadal.
US Open năm nay, nỗi lo ấy vẫn còn nguyên vẹn bất chấp chấn thương không đeo đuổi "Bò tót".
- Nadal nói gì? “ Tôi đã thất bại trong việc duy trì được thể lực - điểm mạnh nhất của mình. Tôi không chắc 100% rằng cổ tay mình đã hoàn toàn bình thường chưa, còn đầu gối thì khá ổn định.
Dù vậy, tôi bắt đầu thấy mình dần trở lại là Nadal rồi. Nếu tiếp tục khỏe mạnh, tiếp tục làm những gì đang làm, tôi tin rằng mình sẽ trở lại phong độ đó trong vài năm tới!”.
Với Nadal, người chú Toni hay bất cứ ai, bất cứ điều gì đều không phải nguyên do lí giải cho thất bại, mà là chính bản thân anh.
Nỗi sợ mất niềm tin
Phát biểu sau thất bại trước Feliciano Lopez tại Cincinnati, Nadal tâm sự: “Tôi đang cố hết sức để tìm lại mình. Vô địch US Open? Không rõ nữa!”.
Có thời điểm, đồng nghiệp, những người yêu mến Nadal tuyệt vọng hơn cả anh, Andy Roddick từng lên tiếng cho rằng đàn em sẽ không giành ngôi vô địch và “chẳng có thêm Grand Slam nào”. Thậm chí, họ phớt lờ phong độ của thần tượng nữa mà đổ hết lỗi cho… HLV, và cũng chính là người chú Toni Nadal. Sau một giai đoạn thành công, họ muốn Nadal dừng đặt niềm tin, tiến hành cuộc thay đổi trên băng ghế huấn luyện như Andy Murray đã làm để “đổi vận”.
- Nadal nói gì? “Tôi có một sự nghiệp tuyệt vời với ê-kip huấn luyện cả trong quá khứ và hiện tại. Vì vậy nếu bất cứ điều gì không ổn, thì nguyên nhân đó là do tôi, điều duy nhất phải làm là thay đổi chính bản thân tôi.
Quan trọng nhất, hiện tại tôi chẳng còn bận tâm về những mối lo như vậy nữa. Điều đó kéo theo sự tin, thoải mái, sự chuẩn xác trong mỗi bước chạy, mỗi cú đánh. Xin mọi người hãy kiên nhẫn!”.
Vĩ thanh
29 tuổi, Nadal vẫn còn phải ngước lên thành tích 17 danh hiệu Grand Slam của huyền thoại Roger Federer để phấn đấu. Tất nhiên, anh không chỉ cần thể hiện qua lời nói mà còn phải bằng hành động. Kiên nhẫn cũng chỉ có giới hạn của nó, và người hâm mộ không quen nhìn anh tiếp tục gục ngã thêm một lần nữa, ở US Open 2015.
Video Nadal thua Feliciano Lopez ở Cincinnati 2015: