Nếu tính đến tỉ lệ chiến thắng ở Grand Slam trong suốt chục năm qua (2004-2014) với 40/47 giải đấu chứng kiến sự lên ngôi của các tay vợt nằm trong nhóm Big 4 thì xem ra câu nói ấy chỉ dành cho tennis.
Lần này, nhóm Big 4 vắng Nadal, chân lý đó có khả năng vẫn đúng. Thực tế đã cho thấy là cả bốn lần trước đây, trong khi người đã giành được 14 Grand Slam ấy dính chấn thương vắng mặt thì danh hiệu cũng không thoát được khỏi tay của một trong ba người còn lại. Năm 2006 và 2009, Federer vô địch Australian Open và Roland Garros. Năm 2012, Murray vô địch US Open. Còn 2013, Djokovic vô địch Australien Open.
Thế cho nên, nếu như ai đó có lợi nhất thì cũng chưa chắc đã phải là Richard Gasquet, người đã bị Nadal loại ở bán kết, hay Tommy Robredo, người đã đánh bại Federer ở vòng bốn rồi chạm trán với Nadal ở tứ kết giải năm ngoái.
Nhóm phong độ
Người vô địch US Open Series với hàng loạt các giải khởi động ở Bắc Mỹ là Raonic nhờ việc anh lọt vào tới bán kết Rogers Cup và Cincy Masters cũng như vô địch Washington Open.
Nhưng Raonic chỉ đứng thứ hai xét về phong độ bởi Tsonga mới là người tạo nên ấn tượng lớn nhất trong một tháng qua với chức vô địch ở Rogers Cup sau khi đánh bại bốn tay vợt trong top 10 bao gồm cả Federer và Djokovic.
Còn những tay vợt khác đã hoặc đang có mặt trong top 10 và từng tạo nên các thách thức khác nhau như Berdych, Ferrer, Dimitrov, Nishikori… đều không có phong độ thật tốt trong thời gian gần đây trong khi họ vốn dĩ ít khi làm được điều đó là lấy được điểm rơi phong độ chính xác cho Grand Slam.
Nhưng với Raonic hay Tsonga, để tạo nên bất ngờ vĩ đại, họ cần phải chơi thứ tennis siêu việt, giống như những gì Wawrinka đã làm ở Australian Open đầu năm.
Thế cho nên, câu hỏi ai vô địch US Open 2014 chỉ nên quay trở lại với nhóm những tay vợt hàng đầu, đã thể hiện được đẳng cấp khác nhau qua một quá trình.
Họ là Federer, Djokovic và ở một vị thế thấp hơn là Murray.
Federer từng đánh bại Djokovic ở CK US Open 2007
Federer hay Djokovic ?
Sở dĩ không chọn Murray không phải vì anh đã bị đánh bật ra khỏi nhóm 4 tay vợt đứng đầu bảng xếp hạng ATP. Thứ hạng nhiều khi chỉ là yếu tố phụ trong việc xếp hạng ai vào nhóm Big 4 bởi trong giai đoạn Federer khủng hoảng nhất (2013) thì tay vợt người Thuỵ Sĩ vẫn không bị tước tư cách là một thành viên của nhóm.
Murray không được đánh giá cao bởi sau khi chia tay với HLV Lendl (đúng ra là ông đã chủ động bỏ Murray), anh đã quay trở lại như cái thời chưa từng nếm mùi vinh quang ở Grand Slam. Tức là thiếu ổn định, luôn có vấn đề về tâm lý, đặc biệt là ở những thời khắc quan trọng hay những trận đấu lớn.
Và việc bị chuột rút (vọp bẻ) liên tục ở cuối trận ở vòng 1 (thắng Haase 3-1) nếu không phải vì thể lực thì là hệ quả của sức ép tâm lý – cả hai vấn đề đều không thể có đối với một người được coi là ứng viên vô địch.
Nếu Murray đi xa hơn việc phải làm khán giả ở giải đấu này ngay sau vòng bốn như năm ngoái (khi anh bị Wawrinka ngáng đường) thì đó đã là thành công của anh.
Big 4 như thế chỉ còn lại Federer và Djokovic, dù cho cả hai không phải ở trong trạng thái tinh thần và phong độ giống nhau.
Federer đang chơi với phong độ tốt nhất của anh trong vòng ba năm qua và gặt hái được những thành tích đáng kể trong những giải đấu gần đây: vào chung kết ở cả bốn giải và vô địch hai (á quân Wimbledon, Rogers Cup, vô địch Hale và Cincy).
Như vậy là Federer không chỉ có đẳng cấp mà còn đạt được cả phong độ nếu như không phải là tối ưu thì cũng là ở một tầm mức mà anh từng mơ ước như chúng ta đã nói ở trên rằng 2013 là một năm tồi tệ của anh.
Vấn đề thể lực, một hạn chế của Federer ở Grand Slam trong năm 2013 cũng đã được gạt bỏ sang một bên. Wimbledon là một cuộc trình diễn ngoạn mục về sức bền của Federer, dù nhiều hơn Djokovic 6 tuổi, nhưng anh tỏ ra là người sung sức từ đầu chí cuối trận đấu.
Đã thế, nhánh đấu của Federer về lý thuyết sẽ giúp cho anh có một cuộc dạo chơi cho tới vòng tứ kết. Karlovic (có thể sẽ là đối thủ ở vòng 3), Fognini (vòng 4), là những hạt giống tương đối yếu và họ không thuộc trường phái kỵ rơ đối với Federer.
Federer và Djokovic sẽ là trận chung kết trong mơ ở giải đấu năm nay
Phải tới khi đối đầu với Dimitrov, Gasquet hay Monfils (có thể là ở vòng tứ kết) lúc ấy Federer mới gặp những thách thức đáng kể hơn, nhưng anh vẫn có đủ khả năng để vượt qua nếu đó là một trong số hai tay vợt Pháp.
Còn Dimitrov là người đi tiếp, gian khó sẽ tăng lên ít nhiều bởi Dimitrov có tâm lý tốt và thường chơi xuất sắc khi đối đầu với những tay vợt lớn. Dimitrov tưởng như đã thắng Djokovic ở bán kết Wimbledon, và gây ra vô vàn khó khăn cho Nadal ở Roland Garros.
Và nếu Ferrer có tiến vào tới vòng bán kết ở nhánh còn lại, đó sẽ là một may mắn cho Federer, bởi tay vợt người Tây Ban Nha chưa từng thắng nổi huyền thoại người Thuỵ Sĩ sau 16 lần đối đầu.
Một suất ở chung kết đang chờ Federer. Anh chỉ không có mặt ở đó trong trường hợp anh tự đánh mất những phẩm chất tốt nhất của mình. Và vấn đề còn lại khi đó chỉ là liệu Djokovic có thể có mặt ở chung kết cùng Federer – một điều có vẻ có ít cơ sở để tin tưởng hơn.
Djokovic thiếu phong độ, chỉ có đẳng cấp bởi sau chức vô địch Wimbledon là cú tuột dốc không phanh, thua cả hai giải Masters từ những vòng đầu.
Phải hơn một năm rồi Djokovic mới trải qua một giai đoạn mà phong độ của anh suy yếu như thế. Năm 2013, anh thua cả Madrid và Rome Masters trước vòng bán kết.
Cũng giống như lần trước, sự suy yếu lần này của Djokovic được nhìn nhận ở khía cạnh động lực. Anh trở nên thoả mãn sau khi giành được danh hiệu Wimbledon, chấm dứt một năm tay trắng ở các giải Grand Slam.
Việc chỉ cần chiến thắng ở Cincy là sẽ hoàn tất bộ sưu tập đủ các giải Masters 1000 không thể tạo nên sự hứng thú và tận tâm. Và lần này, Djokovic còn bị chi phối bởi vấn đề ngoài sân đấu mà việc lập gia đình rõ ràng đã lôi anh hoàn toàn ra khỏi chuyện cây vợt và trái banh trong suốt một tháng.
Nhưng năm 2013, Djokovic đã có mặt ở giải đấu quan trọng nhất đối với anh – Roland Garros, và đã nhìn thấy cửa chiến thắng Nadal ở set thứ năm.
Thực ra, Djokovic kể từ năm 2011 cho tới nay, anh luôn cho thấy việc có phong độ không tốt ở các giải tiền Grand Slam, hay việc không tham dự các giải khởi động mà anh vẫn có thể đạt được phong độ tối ưu khi cần thiết.
Cụ thể: Từ 2011 tới nay, Djokovic không tham dự bất cứ giải đấu trên mặt sân cỏ nào trước khi bước vào Wimbledon nhưng anh đã hai lần lên ngôi ở đó. Djokovic cũng bỏ qua các giải khởi động quan trọng trước thềm Australian Open nhưng trong bốn năm qua, anh đã ba lần chiến thắng.
Djokovic chính là người khó đánh bại nhất ở Grand Slam trong hơn bốn năm qua với việc có được chuỗi 21 trận tứ kết liên tiếp và trong số đó có 13 trận chung kết, 4 trận bán kết. Ngay cả Nadal cũng không thể có được sự ổn định như thế, và nó phần nào gợi nhớ tới thời đỉnh cao của Federer.
Việc dự kiến sẽ phải đối đầu với Isner (vòng 4), Tsonga hoặc Murray (tứ kết) như thế cũng không phải vấn đề quá lớn.
Thay lời kết
Nếu như cả Djokovic và Federer cùng có mặt trong trận chung kết cũng có nghĩa rằng bất ngờ vĩ đại sẽ không xảy ra ở US Open. Hỏi, một giải đấu không có bất ngờ thì có còn thú vị?
Tennis là một trong những môn thể thao ít có bất ngờ nhất mà các dự báo có xác suất trở thành “đếm cua trong lỗ” rất thấp. Nhưng không vì thế mà nó trở nên nhàm chán. Cuộc đối đầu giữa các đối thủ quen thuộc nhưng trong những trận đấu khác nhau luôn có những đường bóng và diễn biến đỉnh cao không giống nhau. Nó tạo ra các trận chung kết kinh điển mà Wimbledon 2008 rồi 2014 đã và sẽ được lưu truyền.
Thế thì hãy ước cho Federer được gặp lại Djokovic ở Arthur Ashe ngày 8-9 này!
Video Federer - Djokovic chung kết Wimbledon 2014: