Tiger Woods kiếm được 1,35 tỷ đô la kể từ khi bắt đầu chơi chuyên nghiệp năm 1996. Tuy nhiên Woods chủ yếu bỏ túi những khoản tiền kế xù nhờ hợp đồng quảng cáo, tài trợ chứ thực tế chưa đến 10% trong số đó là tiền thưởng từ các giải đấu.
Theo thống kê mới nhất từ tạp chí Forbes, tổng tài sản của Woods hiện được định giá vào khoảng 700 triệu đô la. Trong danh sách những doanh nhân giàu nhất thế giới tuổi U40 năm 2015, tay golf người Mỹ xếp thứ 26.
Woods chính là vận động viên thể thao duy nhất lọt vào danh sách này. Vào tháng 12 tới, “Cọp gỗ” sẽ bước sang tuổi 40 và chia tay danh hiệu doanh nhân trẻ giàu có để hướng đến những mục tiêu khác.
Tiger Woods là doanh nhân U40 giàu có thứ 26 thế giới
Hợp đồng với Nike, Accenture, AT&T, Buick và Gatorade đã mang đến cho Tiger Woods khối tài sản lớn. Nhưng hầu hết các hãng này đều đã ngừng hợp tác với Woods, trừ Nike – đơn vị trả cho huyền thoại làng golf tới 20 triệu đô la mỗi năm.
Các hãng đang hợp tác với Woods còn có Hero MotoCorp, Kowa, MusclePharm, Rolex và Upper Deck. Scandal tình ái rồi vụ chia tay vợ cũ Elin Nordegren đã khiến khối tài sản của Woods hao hụt đi đáng kể nếu không anh có thể đứng thứ hạng cao hơn nhiều.
Vì chấn thương, Tiger Woods cũng không có khả năng canh tranh danh hiệu trong 2 năm qua. Số tiền thưởng từ các giải đấu với Woods rất nhỏ. Tay golf 39 tuổi quyết làm lại nhưng quá khó để gây tiếng vang một lần nữa.
Nghịch lý ở chỗ, Tiger Woods vẫn là một tượng đài mà nhiều ngôi sao thể thao khác chưa thể qua mặt. Hồi tháng 10, tạp chí Forbes từng công bố Woods là ngôi sao thể thao có giá trị thương hiệu cao nhất, vào khoảng 55 triệu đôla.
Song song với mục tiêu trở lại sân đấu, Tiger Woods vẫn không ngừng phát triển mảng kinh doanh. Sau chuỗi nhà hàng Jupiter, “Cọp gỗ” mới khai trương Bluejack National, sân golf đầu tiên của anh nằm ở vùng Texas. Sân golf thứ 2 của Woods cũng được tiết lộ sẽ sớm ra mắt công chúng.
Một tin vui khác vừa đến với Tiger Woods là hôm 18/11, anh được Davis Love chỉ định làm đội phó của đội tuyển Ryder Cup Mỹ năm 2016.