Kể từ năm 2012, sau khi nhận thấy Hoàng Nam có những tố chất đặc biệt, đơn vị chủ quản của anh đã liên tục đăng ký cho anh tham dự nhiều giải đấu quốc tế, từ quy mô nhỏ, cho đến việc giúp anh dần bước chân vào các giải đấu trẻ thuộc hệ thống Grand Slam danh giá.
Trong năm 2013, Lý Hoàng Nam giành HCĐ Đại hội thể thao trẻ châu Á, trước khi ở năm 2015 này, Lý Hoàng Nam giành ngôi vô địch đôi nam trẻ Wimbledon, đều là những cột mốc lịch sử của làng banh nỉ nước nhà. Những thành tích cho thấy bước tiến có lớp lang của tay vợt số 1 Việt Nam.
Dĩ nhiên, để có được những thành tích ấy, tiền đổ vào Hoàng Nam cũng không ít. Riêng trong năm 2015, Hoàng Nam dự kiến sẽ đánh hơn 20 giải đấu quốc tế khác nhau, trong đó có 4 giải Grand Slam trẻ (đã dự đủ 3 giải là Australia mở rộng, Roland Garros và Wimbledon, chuẩn bị dự giải Mỹ mở rộng). Theo ước tính sơ bộ, kinh phí đầu tư cho Lý Hoàng Nam trong khoảng 5 năm qua đã lên đến vài ba tỷ đồng.
Tiền tỷ bỏ ra để đầu tư, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, số tiền thưởng từ các giải đấu của Hoàng Nam không đáng kể. Bởi, tay vợt số 1 Việt Nam chủ yếu chỉ mới đánh các giải trẻ, mà trong môn quần vợt, các giải trẻ chưa được xem là quần vợt nhà nghề, nên hầu như các tay vợt không kiếm được tiền thưởng từ sân chơi trẻ.
Sắp tới đây, để Hoàng Nam phát triển tốt hơn nữa, Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) và Tổng cục TDTT sẽ bàn phương án với đơn vị chủ quản của Hoàng Nam là Becamex, cũng như với gia đình tay vợt này, tìm hướng đi tốt nhất, đầu tư trọng điểm cho Lý Hoàng Nam, để biến anh trở thành một hiện tượng tương tự Ánh Viên trong môn bơi.
Nếu các bên tìm được tiếng nói chung, mức độ đầu tư dành cho Lý Hoàng Nam có thể còn lớn hơn nữa, để tay vợt này phát triển tốt hơn nữa.