Nỗ lực của Thạch Kim Tuấn được đền đáp bằng việc góp công giúp cử tạ Việt Nam giành ba vé dự Olympic 2016. Anh cũng là niềm hy vọng của thể thao nước nhà ở Thế vận hội diễn ra tại Brazil hè năm sau.
Uống thuốc giảm đau nhiều hơn ăn cơm
Sau hai ngày di chuyển, 14h chiều 30/11 Thạch Kim Tuấn cũng về đến TP HCM. Đô cử này cho biết đi máy bay còn mệt hơn thi đấu. Tuy nhiên, nỗi vất vả ấy chẳng là gì so với niềm hạnh phúc có vé dự Olympic tại Rio de Janeiro sang năm. Tại Houston, Mỹ vừa qua Kim Tuấn giành HC đồng hạng cân 56 kg, góp công lớn giúp đội cử tạ nam giành được tổng cộng 45 điểm, qua đó đứng thứ 20 chung cuộc sau khi cộng điểm giải vô địch thế giới năm 2014 và 2015, đồng nghĩa với việc có ba vé tới Brazil năm sau.
"Tại giải vô địch thế giới 2015, tôi chỉ đạt tổng cử 287 kg, kém chín kg so với năm trước. Tuy nhiên, đó là thành tích tốt lắm rồi bởi tôi phải thi đấu trong tình trạng chấn thương lưng và gối. Trên đất Mỹ, tôi thi đấu với nỗi âu lo vô cùng lớn", Thạch Kim Tuấn chia sẻ với VnExpress sau khi về tới TP HCM.
Kim Tuấn cho biết anh dính chấn thương hồi tháng 4, sẽ phải phẫu thuật nếu thuật muốn điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu làm vậy đô cử sinh năm 1994 sẽ không thể tham dự giải thế giới 2015, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc giành vé tham dự Olympic 2016 của đội cử tạ nam Việt Nam.
"Tôi biết là tập và thi đấu trong tình trạng chấn thương như thế này là rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp nhưng không bỏ lỡ cơ hội giành vé tới Olympic năm sau. Nếu không dự giải vô địch thế giới, phải chờ tới giải vô địch châu Á vào tháng 4/2016 chúng tôi mới có cơ hội tranh vé. Nhưng như thế thì quá mạo hiểm, thêm nữa nếu giành vé tới Brazil thì cũng quá cận ngày, không thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic", Kim Tuấn nói thêm.
Đô cử sinh năm 1994 bị viêm gân xương bánh chè. Sợi gân chịu lực chính bị tổn thương nên chỉ cần thực hiện động tác nhẹ đã thấy đau. Để có thể tập với 80% những gì mình có, anh phải kết hợp vật lý trị liệu và uống thuốc giảm đau. Đêm đau, không ngủ được, đô cử quê Bình Thuận lại bò dậy thực hiện động tác đứng lên ngồi xuống, co duỗi cơ thể để “làm nóng người” cho bớt đau. Ngày tập, nhiều khi anh phải nhờ đồng đội xoa bóp giúp để có thể tiếp tục “nuốt” giáo án.
"Tôi sợ nhất là lúc lên sàn thi đấu tại giải vô địch thế giới. Tôi phải uống thuốc giảm đau liên tục nhưng cũng không ăn thua. Khi nâng tạ chân đau tê tái. Lúc đó tâm lý lại không ổn định nữa, sợ chấn thương ảnh hưởng đến kết quả, khiến đội nhà không có được thành tích như mong muốn. Ơn trời mọi thứ diễn ra không quá tệ", Thạch Kim Tuấn nhớ lại giây phút tranh tài trên đất Mỹ.
Thạch Kim Tuấn cho biết một hai ngày tới anh sẽ đi kiểm tra tổng thể để đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Tùy mức độ, anh sẽ được điều trị trong nước hoặc đưa sang Singapore. Đô cử sinh năm 1994 hy vọng có thể điều trị dứt điểm trước tháng 3/2016 để sau đó tập luyện với cường độ cao nhất, phục vụ mục tiêu giành huy chương tại Brazil năm sau.
"Tôi chỉ có thể giành huy chương nếu hồi phục hoàn toàn để tập luyện và thi đấu với 100% phong độ. Các đối thủ từ Triều Tiên và Trung Quốc đều đang phát triển rất mạnh, nhưng nếu ở thể trạng tốt nhất, tôi có thể cạnh tranh sòng phẳng với họ”, đô cử đang là niềm hy vọng lớn nhất trong việc giúp đoàn thể thao Việt Nam giành huy chương tại Olympic Rio 2016 chia sẻ.
Đổi đời nhờ cử tạ
"Tôi đến với cử tạ không phải vì đam mê mà vì kinh tế. Môn này đã giúp tôi đổi đời", Thạch Kim Tuấn chia sẻ thành thực.
Sinh ra tại Bình Thuận, do kinh tế khó khăn, anh cùng các anh chị lên TP HCM kiếm sống. Đô cử sinh năm 1994 nhớ lại thời mới về Sài thành, anh cùng hai chị, một anh và một đứa cháu thuê trọ sống trong một căn nhà khoảng 20m2, cuộc sống vô cùng khó khăn.
"Năm tôi học lớp sáu, một người anh trong xóm rủ đi tập cử tạ. Anh bảo nếu tập tốt, sẽ được đi thi đấu, có giải, được trả tiền. Tôi lúc đó không biết tập tạ là sao, còn hỏi anh môn này chơi thế nào. Nhưng nghe nói có thể kiếm được tiền phụ giúp gia đình thì gật đầu đồng ý luôn. Thú thực, ban đầu tôi đến với cử tạ không phải vì đam mê, mãi sau này có thành tích thì mới mê, khát khao chinh phục các giải đấu quốc tế", Thạch Kim Tuấn nhớ lại.
"Năm 2007, tôi dự giải trẻ toàn quốc tại Hà Nội, giành hai HC đồng. Mỗi tấm HC đồng được thưởng một triệu. Thời điểm đó số tiền như vậy là rất lớn với tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi phụ giúp được anh chị", Thạch Kim Tuấn nhớ lại.
Có số tiền hai triệu đồng, Thạch Kim Tuấn chạy ngay về gia đình khoe. Anh đưa cho chị gái 1,3 triệu đồng để lo chi tiêu trong gia đình, xin giữ lại 700.000 để mua thuốc bổ, phục vụ việc tập luyện chuẩn bị cho những giải sau.
Sau tám năm, Kim Tuấn đã vươn lên trở thành đô cử hàng đầu Việt Nam, với số tiền kiếm được không nhỏ. Anh cho biết niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là tích góp tiền mua được căn nhà rộng hơn 30m2 tại Gò Vấp để gia đình sinh hoạt, không còn phải chịu cảnh chui ra chui vào trong những căn nhà thuê chật hẹp.
Ngoài niềm vui có nhà, Kim Tuấn khoe đã đi học trở lại. Đô cử 21 tuổi đang học lớp 10. Trước đó, năm 2006 anh học xong lớp sáu, rồi quyết định nghỉ bởi đi tập cử tạ cách xa nhà, thêm đó anh cũng muốn toàn tâm toàn ý để có bước tiến trong thể thao.