Tình cờ đến với Wushu
Ngay từ khi còn nhỏ, do ngoại hình nhỏ bé yếu ớt, Phạm Quỳnh Anh đã được mẹ cho đi học bộ môn wushu từ lúc 6 tuổi. Niềm đam mê dành cho Wushu của cô bạn cũng lớn dần lên kể từ khi được tham gia thi đấu giải Wushu thành phố Hà Nội chỉ hai năm sau đó.
Cho tới năm học lớp 10, cô bạn nhỏ bé này mới thực sự được đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp khi theo học tại trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao.
Mặc dù trước khi vào học tại trường, phải đi tập luyện thi đầu hàng tuần không có thời gian học văn hóa nhiều như bạn bè cùng trang lứa nhưng Quỳnh Anh vẫn chăm chỉ học tập và nhiều năm liền đạt học sinh Giỏi.
Suốt hơn 10 năm qua, Phạm Quỳnh Anh đã giành được gần 20 huy chương ở các giải đấu lớn nhỏ, cả trong nước lẫn quốc tế. Trong đó phải kể tới Huy chương Bạc giải trẻ châu Á diễn ra tại Macao năm 2012. Đây cũng là giải đấu quốc tế đầu tiên của Quỳnh Anh khi cô tròn 15 tuổi.
Mặc dù đã xác định đi theo thể thao chuyên nghiệp là không có chỗ cho sự xao nhãng hay mất tập trung, ấy thế mà, thời kỳ đầu khoác áo đội tuyển, đã có lúc Quỳnh Anh cảm thấy chán nản, mất động lực tập luyện: “Thời kỳ đầu xa nhà, xa bố mẹ cộng thêm nhiều lúc tập luyện rất mệt và áp lực nên em muốn về nhà, về sau em cũng quen dần và không còn nhớ nhà nhiều như lúc đầu nữa”.
Do trường học xa nhà và lịch tập luyện ở trường khá dày, một tuần Quỳnh Anh chỉ về nhà thứ bảy và đến trường tiếp vào chiều chủ nhật. Ngoài ra, cô bạn cũng thường xuyên có những buổi tập huấn xa nhà đến hàng tháng trời mới về nhà.
Quỳnh Anh (hàng trên, thứ 3 từ phải vào) cũng là một trong ba vận động viên Wushu được chọn tham gia biểu diễn ở Olympic trẻ tổ chức tại Nam Ninh – Trung Quốc từ ngày 13 tới 29/8 vừa qua.
Ước mơ làm bác sĩ đông y
Do đặc thù của bộ môn Wushu, vận động viên thường sẽ cống hiến đến độ tuổi từ 25 đến 26 tuổi nên Phạm Quỳnh Anh cũng đã có dự định riêng cho mình. Thay vì chọn làm huấn luyện viên Wushu như nhiều người khác, Quỳnh Anh lại thích làm bác sĩ đông y.
“Khi tập Wushu em thường hay bị chấn thương rất nhiều, đặc biệt là ở cổ chân và đầu gối. Vì vậy nên em cũng thường phải đi điều trị xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt để có thể tập luyện tiếp”.
Trong số các môn học văn hóa, Quỳnh Anh cũng rất thích học Toán, Hóa học và Sinh học, cô bạn cũng đã chuẩn bị để ôn tập khối C để thi vào ngành học Đông y mà mình yêu thích vào năm tới.
Với ước muốn được làm bác sĩ đông y, Quỳnh Anh hy vọng mình sẽ có thể chữa bệnh và giúp các vận động viên bộ môn Wushu nói riêng và những bộ môn khác nói chung khắc phục được những hậu quả do chấn thương gây ra.
Theo Anh Thư - Qui Quii