Sau đại hội, tôi hỏi lãnh đạo một đoàn thể thao: “Khoan hãy nói đến thành tích của địa phương anh mà hãy nói về ý nghĩa của đại hội lần này”. Không cần nghĩ ngợi, anh này nói thẳng: “Đại hội bây giờ gói gọn lại trong ba chữ “Mua - Mướn - Mượn”. Thật đau lòng khi phải dùng ba từ đó để nói lên bức tranh của một đại hội tốn kém nhiều ngàn tỉ đồng trong bối cảnh đất nước còn khó khăn…”.
Để chạy theo thành tích, không ít đoàn đổ xô đi “săn” VĐV gạo cội theo hợp đồng mua có, mướn có mà mượn cũng có. Nói như những địa phương có đầu tư nghiêm túc thì đấy là chuyện lách luật để săn huy chương, để tỉnh nhà có cái để báo cáo và để tính toán thêm bớt trong việc xin ngân sách dựa vào bảng huy chương ảo.
Đại hội TDTT toàn quốc 2014 vừa kết thúc mà tiếng chê nặng hơn tiếng khen
Rất nhiều nhà quản lý thể thao cựu trào khi nhìn đại hội TDTT lần này đã xót xa với việc “hợp thức hóa chuyện tiêu và xài tiền”. Có người đã kiến nghị ngành thể thao hay than ít kinh phí nhưng với cái cách “nướng” tiền qua đại hội như thế mà chất lượng chuyên môn giật lùi thì cần phải xem lại. Thậm chí còn có đề nghị hãy bỏ đại hội TDTT vì đơn thuần chỉ là tổ chức nhiều môn, nhiều giải vô địch quốc gia và gom về 1-2 địa phương tổ chức rồi đếm huy chương và… báo cáo.
Rất nhiều VĐV xót xa khi chụp ảnh giữa nhà thi đấu ngàn tỉ đồng hay bể bơi vài trăm tỉ đồng rồi thêm vào lời bình: “Đứng giữa nhà thi đấu mang tên công trình thế kỷ nhưng thấy lạnh lẽo quá vì đại hội mà chẳng có khán giả trong khi 4.000 ghế thì trơ trọi.
Hết đại hội rồi thì công trình thế kỷ này sẽ làm gì?”. Đã đến lúc ngành TDTT phải xem xét lại cung cách tổ chức một sự kiện thể thao tốn nhiều ngàn tỉ đồng nhưng lại nhuốm màu hội làng. Bên cạnh đó là nhiều câu chuyện bi hài về vòng quay của thành tích và vòng quay của đồng tiền.
Có ai vui được với cảnh Ánh Viên đang tập huấn ở Mỹ phải trở về để “nhập sổ vàng” cho đoàn nhà gom 18 HCV. Và cứ mỗi cự ly em hoàn tất xong lại co ro lên nhận huy chương như một cái máy cùng chiếc áo khoác dày dành cho người đi tuyết để chống lạnh.
Có ai xót với cái cảnh nhà thi đấu Thái Bình mới khánh thành với kinh phí 650 tỉ đồng nhưng ngay ngày thi đấu đầu tiên đã… dột khiến VĐV trượt chân chấn thương và nhà thầu phải bỏ thêm 300 triệu đồng để chống dột?
Trong khi ngành thể thao vẫn bình thản với đại hội quá tốn kém và phí phạm lại không thực hiện đầy đủ ý nghĩa của đại hội thì có đại biểu ở An Giang (đơn vị đăng cai đại hội lần tới) thẳng thắn đề nghị xét lại tính hiệu quả của đại hội TDTT.
Một đại hội mà càng ngày tính chuyên môn càng thấp nhưng mức độ “hoành tráng” lại càng cao.
Một đại hội tiêu rất nhiều tiền nhưng rất ít người xót và tự hỏi tiền ở đâu.