Trước khi bước vào hội nghị này ông Bernie Ecclestone có được ưu thế lớn khi giữa tuần qua ông được tái bổ nhiệm và hội đồng quản trị Formula One Group (tập đoàn nắm toàn quyền tổ chức FIA Formula One World Championship) và tiếp tục giữ chức Giám đốc điều hành tổ chức này sau khi phải rời bỏ vị trí vì liên quan đến nghi án hối lộ tại Đức. Mặc dù trong thời gian qua không nắm thực quyền nhưng mọi diễn biến trong F1 ông luôn là nhân vật có tiếng nói quyết định.
Tại hội nghị ở Geneva, ông Ecclestone đã đề nghị bãi bỏ các quy định về động cơ 1,6lít V6 Turbo hiện nay. Trước khi quy định chuyển sang dùng động cơ V6 được áp dụng, chính ông Ecclestone là người phản đối nhiều nhất. Theo ông thì loại động cơ này thiếu hẳn tiềng gầm rú quen thuộc như động cơ 2,4lít V8.
Mặc dù toàn cầu đang hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và thân thiện với môi trường mà thế hệ động cơ turbo là một ví dụ điển hình, nhưng ông Ecclestone cho rằng việc sử dụng loại động cơ này khiến cho chi phí của mỗi đội đua tăng thêm khoảng 30 triệu bảng Anh. Với chi phí tốn kém như vậy nó làm cho các đội đua nhỏ như Marussia và Caterham gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cuối mùa giải.
Ông Eccleston điều hành F1 theo cách của mình
Ông Ecclestone cũng đề xuất Nhóm cần có một mức chi phí trần tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 4/2015 để tạo điều kiện cho các đội đua nhỏ tồn tại và đề nghị giữ nguyên vị trí của đội đua Marussia để đội đua mặc dù đang phải bán đấu giá thiết bị của mình nhưng nếu tìm được nhà đầu tư mới và có đủ khả năng tài chính vẫn có thể tham dự mùa giải 2015.
Cũng trong hội nghị ông đặt vấn đề về việc đưa một nước châu Phi vào lịch đua thường niên và quốc gia có thể đăng cai chặng đua này là Nam Phi, lần gần đây nhất châu Phi có một chặng đua là tại South African GP giai đoạn 1967-1993 và trước đó là Morocco GP năm 1958.
Năm 2011 đã có ý tưởng đưa F1 trở lại Nam Phi bằng chặng đua đường phố ở Cape Town nhưng không được sự đồng thuận của chính quyền thành phố, còn nếu tổ chức ở đường đua Kyalami ở Johannesburg – nơi đã từng tổ chức 20 GP – thì hiện tại nó phải cần một khoản kinh phí không nhỏ để cải tạo, sửa chữa nhằm đáp ứng các quy chuẩn của F1 hiện tại.
Ông Ecclestone cũng đưa ra vấn đề người Mỹ muốn có thêm một chặng đua nữa ở New Jersey nhưng theo ông không có gì đảm bảo sẽ có hai chặng đua tại nước Mỹ trong thời gian trước mắt.
Vấn đề chính được bàn bạc nhiều nhất chính là các quy định về động cơ, hiện tại lộ trình sử dụng động cơ 1,6lít V6 turbo có thời hạn đến năm 2020. Ông Ecclestone biết chắc sẽ không nhận được sự đồng thuận từ Mercedes, mặt khác Honda có thể cũng phản đối vì các chuyên gia nhận định có thể họ trở lại F1 vì thấy được tiềm năng khi môn thể thao này sử dụng động cơ turbo.
Thêm nữa có thể nhiều nhà cung cấp lớn như Volkswagen, BMW, Audi và Toyota cũng đang có sự quan tâm đến loại động cơ này. Kết thúc hội nghị đã không có sự thay đổi lớn nào được thông qua. Như người trong cuộc nhận xét thì đó mới chỉ là những điều chỉnh nhỏ.
Sự tồn tại của động cơ 1.6lít V6 Turbo đang bị đặt dấu hỏi
Đầu tiên là việc không có thay đổi nào cho mùa giải 2015 bởi quỹ thời gian còn lại không đủ để thực hiện việc này, nó chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ các quy tắc về động cơ. Quyết định tiếp theo là mặc dù mùa tới có 20 hay 21 chặng đua thì số động cơ được phép sử dụng mỗi mùa của một tay đua chỉ là 4 (trước đây khi có tin việc có thêm chặng đua Korean GP là để nhằm mục đích tăng thêm số động cơ được phép sử dung của các tay đua mỗi mùa).
Về vấn đề thay đổi động cơ từ mùa giải 2016 với các tiêu chí: Có tiếng ồn lớn hơn, có công suất 1000 mã lực, loại động cơ thường và có chi phí khoảng 10 triệu Euro/đội – Vấn đề này sẽ được giao cho một nhóm công tác nghiên cứu và báo cáo kết quả tại hội nghị tiếp theo tổ chức vào cuối tháng 1/2015 để có được kết luận cuối cùng và điều này có thể phải thông qua một cuộc bỏ phiếu.
Chắc chắn trong thời gian 1 tháng giữa hai kỳ họp sẽ có rất nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này và cuộc chiến động cơ chưa chắc đã có hồi kết bởi các bên liên quan sẽ làm tất cả để bảo vệ lợi ích của chính mình.