Đây không phải là lần đầu tiên các ĐTQG phải nhận nhiệm vụ cụ thể từ VFF, VOC hay Tổng cục TDTT tại một giải đấu cụ thể ở khu vực, nhưng xét trong bối cảnh bóng đá Việt Nam những năm qua, việc giao chỉ tiêu như vậy có thể làm khó dễ thầy trò HLV Miura.
Chúng ta đều biết là lần cuối cùng ĐT U23 Việt Nam vào tới chung kết một kỳ SEA Games đã cách đây 6 năm, và trước đây nếu như bóng đá Việt Nam chỉ ngại Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia thì bây giờ Philippines và Myanmar đã trở thành những thử thách rất đáng ngại.
Khi giao nhiệm vụ vào chung kết SEA Games 28 cho ĐT U23 Việt Nam, hẳn là VOC cho rằng lứa tuyển thủ U19 năm ngoái dự kiến được gọi vào ĐT U23 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… sẽ giúp bóng đá Việt Nam thỏa mãn cơn khát vàng SEA Games đã kéo dài suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, mọi sự không hề đơn giản như thế, bởi đúng là lứa cầu thủ này thật sự tài năng và hứa hẹn, nhưng trình độ của họ chưa có gì nổi bật so với mặt bằng chung ở khu vực, mà bằng chứng là 2 năm qua ĐT U19 Việt Nam đã lần lượt thất bại trước ĐT U19 Indonesia và ĐT U19 Myanmar ở các trận chung kết giải khu vực.
Vì thế, không có gì bảo đảm khi những cầu thủ này gặp lại nhau ở SEA Games 28 diễn ra vào giữa năm nay, ĐT U23 Việt Nam sẽ dễ dàng chiếm thế thượng phong để thẳng tiến vào trận chung kết. Rõ ràng khi giải đấu còn chưa diễn ra và chúng ta cũng chưa nắm được thực lực của đối phương mà đã nhanh nhảu giao chỉ tiêu vào chung kết là một lựa chọn khó có thể nói là sáng suốt.
Tất cả chúng ta đều nhớ là trước đây các ĐTQG chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ khi được giao chỉ tiêu thành tích cụ thể tại những giải khu vực, và lần đăng quang duy nhất của chúng ta ở AFF Cup 2008 lại là lúc ĐTQG nhận được ít sự kỳ vọng nhất và đương nhiên không có chỉ tiêu hay nhiệm vụ nào được giao trước ngày dự giải.