Đêm đẹp nhất lịch sử Atletico
Ngày 17/5/2013, Santiago Bernabeu, chung kết Cúp Nhà Vua, Real Madrid - Atletico Madrid, tỷ số đang là 1-0 cho Real sau bàn mở tỷ số của Cristiano Ronaldo. Phút thứ 35, quả bóng được phá lên gần khu vực giữa sân, nơi Radamel Falcao đang đón lõng. Anh che bóng trước sự áp sát của Raul Albiol rồi lách qua trung vệ người Tây Ban Nha.
Falcao dấn thêm vài bước để vượt qua Sami Khedira, làm lỡ trớn Albiol lần nữa rồi chuyền bóng vào khoảng trống ở cánh phải. Lao lên như một cơn lốc, Diego Costa bỏ lại Fabio Coentrao sau lưng, khống chế một nhịp rồi tung một cú sút chìm từ cự ly 20 mét. Đấy là một pha bóng hoàn hảo, từ người chuyền cho đến người sút.
Bàn quân bình tỷ số 1-1 ấy làm câm lặng các khán đài Bernabeu. Đêm tuyệt vời nhất của Atletico chỉ vừa mới khởi đầu, bởi sau khi kết thúc trận đấu ấy với bàn ấn định tỷ số trong hiệp phụ của Miranda, Atletico cũng chấm dứt mạch trận toàn hòa và thua trước kình địch cùng thành phố kể từ năm 1999. Mạch trận ấy kéo dài 14 năm, trải qua 25 trận đấu. Càng tuyệt vời hơn khi Atletico đã đảo chiều bánh xe lịch sử, vượt qua cái dớp tồi tệ ngay trên sân địch thủ, trong một trận tranh Cúp.
Cho đến tận bây giờ, tức là 2 năm sau ngày ấy, nhiều CĐV Atletico vẫn gọi đấy là đêm đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử CLB. Hình ảnh Falcao và Costa cùng giương cao chiếc Cúp Nhà Vua vẫn in sâu vào tâm trí họ. Nó đánh dấu một cuộc đổi đời dành cho Atletico. Từ sau đêm ấy, họ không còn sợ Real Madrid nữa và họ đã có thêm niềm tin vào chính mình.
Pha ghi bàn ấy diễn ra cách đây 2 năm. Từ cột mốc ấy, Atletico đã vô địch La Liga và vào đến chung kết Champions League trong sự thán phục của tất cả. Diego Costa đã dự World Cup tại Brazil trong màu áo của Tây Ban Nha, sau vài lần... khoác áo tuyển Brazil ở trước giải. Sau khi vô địch La Liga cùng Atletico, Costa tiếp tục vô địch Premier League cùng Chelsea. Ở 2 mùa ấy, anh luôn là chân sút số 1 của đội bóng.
2 năm đen tối của "mãnh hổ"Còn với Falcao thì sao? Có lẽ đấy là khoảng thời gian đáng quên nhất của “Mãnh hổ” từ khi anh khởi nghiệp. Falcao là một người bị ám ảnh bởi những pha ghi bàn. Anh từng khoe mình có khả năng dùng giấy viết liệt kê ra tất cả những pha làm bàn từ khi còn đá ở trong nước cho đến khi đã đặt chân sang châu Âu. Anh nhớ từng pha ghi bàn một, đối thủ là ai, anh dứt điểm thế nào và phản ứng của thủ môn ra sao.
Những pha ghi bàn trong 2 năm gần nhất có lẽ sẽ dễ nhớ hơn, vì nó... không nhiều. Người trung phong từng ghi 72 bàn trong 87 trận cho Porto, 70 bàn trong 91 trận cho Atletico chỉ ghi được vỏn vẹn có 15 bàn trong suốt 2 năm trời. Và anh cũng chỉ đá rất ít: 17 trận cho Monaco mùa 2013/14 và 29 trận tại M.U mùa trước, đa số là vào sân từ ghế dự bị.
Chấn thương dây chằng đầu gối thứ 3 trong sự nghiệp đã làm thay đổi sự nghiệp của trung phong từng được nhận định là nguy hiểm nhất thế giới. Đấy là người mà Diego Simeone - đồng đội cũ ở River và HLV cũ ở Atletico - vẫn dành cho những mỹ từ đẹp nhất. Sau khi kết thúc trận chung kết Europa League 2012, camera đã quay được cảnh Simeone đang gọi điện về cho gia đình, trong đó có đoạn ông nói vào trong điện thoại: “Em có thấy pha ghi bàn của Falcao không? Wow!”
Falcao sinh ra với tài săn bàn thiên bẩm, nhưng anh còn là một cầu thủ chuyên nghiệp, luôn trui rèn khả năng thông qua học hỏi và tập luyện. Vì thế 2 năm qua là khoảng thời gian thực sự đau khổ với anh. “Trái tim tôi đã bị hủy hoại khi biết mình không được dự World Cup,” Falcao nói. “Nếu anh ấy có mặt ở Brazil, Colombia đã vô địch thế giới,” Diego Maradona nói.
Vì cách đối xử có phần cay nghiệt với Falcao, Maradona đã gọi Louis van Gaal là “quỷ dữ”. Theo Maradona, và cũng là quan điểm của nhiều người, Van Gaal đã không trao cho Falcao những cơ hội mà anh xứng đáng được hưởng.
Ước muốn của AbramovichCó lẽ bây giờ Falcao sẽ có được điều đó tại Stamford Bridge. Mourinho không kéo Falcao về, không thuyết phục CLB trả mức lương khủng cho anh vì mục đích... từ thiện. Ông nhìn thấy ở Falcao những phẩm chất phù hợp với Chelsea. Khi Falcao và Costa cùng làm nên siêu phẩm trong trận chung kết Cúp Nhà Vua 2 năm trước, HLV của Real khi ấy chính là Mourinho.
Mourinho đã theo dõi Falcao đủ lâu để biết thế mạnh của anh là khả năng chọn vị trí chứ không phải là thể lực. Người ta gọi anh là “mãnh hổ” cũng bởi khả năng chọn thời cơ. Xem Falcao thi đấu là xem anh di chuyển, cách anh lẻn qua những hậu vệ và đặt mình vào vị trí ghi bàn.
Đúng là bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Falcao đã lớn tuổi hơn và cơ thể anh đã có nhiều thêm những tì vết của chấn thương. Những hoài nghi dành cho thể lực anh ngày càng nhiều. Cách chơi của Diego Costa cũng đã thay đổi trong 2 năm qua, khiến cho người ta đặt dấu hỏi về khả năng tương tác của họ.
Costa ghi 27 bàn trong mùa bóng cuối tại Atletico, nhưng đấy lại là mùa đầu tiên anh giữ vai trò trung phong sau khi Falcao ra đi. Costa vốn không nghĩ mình có thể làm điều đó, nhưng Simeone đã nhìn thấy ở Costa những phẩm chất mà chính anh cũng không thấy. “Một cầu thủ di chuyển tốt như cậu phải ghi được nhiều bàn hơn,” Simeone nói.
Nhưng ở vai trò của một trung phong, Costa cũng chơi khác với Falcao. Anh di chuyển rộng, thích tham gia nhiều hơn vào lối chơi, anh không ngại cầm bóng xông thẳng vào phòng tuyến của đối phương chứ không phải mẫu rình rập như Falcao. Nếu như Falcao luôn là một tay săn bàn thượng hạng với 28 bàn mùa đầu và 24 bàn ở mùa thứ 2 cho Atletico, thành tích ghi bàn của Costa từ khi sang châu Âu là 10, 6, 8, 9 và 5 trước khi anh được đôn lên đá thay Falcao sang Monaco.
Và vì cách chơi khác nhau ấy, Falcao và Costa hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau, như cái cách họ cùng làm nên pha ghi bàn vào lưới Real Madrid thuở nào. Roman Abramovich vẫn chưa bao giờ nguôi mong muốn nhìn thấy Chelsea chơi tấn công, vào sân với 2 tiền đạo và ghi được nhiều bàn. Sơ đồ 4-4-2 với cặp Falcao - Costa là phương án mà Mourinho đã phải nghĩ đến khi kéo Falcao về Stamford Bridge.
Falcao + Costa = 54 bàn
Trong mùa bóng duy nhất mà Falcao và Costa sát cánh với nhau trên hàng công, Falcao ghi 28 bàn và Costa ghi 10 bàn tại La Liga (Falcao ghi 34 bàn và Costa ghi 20 bàn trên mọi mặt trận). Đấy là mùa bóng cho thấy sự tiến bộ tuyệt vời của chân sút gốc Brazil khi được đá cạnh người đồng đội Colombia. Costa chỉ ghi được 3 bàn trước tháng 12/2012, nhưng sau đó đã ghi đến 17 bàn trên mọi mặt trận. Kết thúc mùa bóng ấy, Falcao là chân sút số 1 của Atletico tại La Liga trong khi Costa là “Vua phá lưới” của Cúp Nhà Vua.
Nhưng câu hỏi Costa - Falcao có trở thành một cặp song sát đáng sợ nhất thế giới nếu có thêm thời gian đá cạnh nhau không đã không có câu trả lời bởi Falcao đã rời Atletico vào cuối mùa bóng ấy. Bây giờ, Mourinho vừa khơi lại chủ đề thú vị ấy. Trong khi chúng ta mải tranh luận về việc Falcao hay Costa, có khi “Người đặc biệt” đã âm thầm chuẩn bị một phương án có cả hai.