Một ngày của U19 Việt Nam

Ngày đăng 06/10/2014 23:14

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Đến Myanmar ngày 5/10, đội tuyển U19 Việt Nam được BTC nước chủ nhà bố trí lưu trú tại khách sạn Royal Nay Pyi Taw. Đây là khách sạn 3 sao, thuộc khu khách sạn Zone 1, với điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi “miễn chê”.

Các thành viên trong đội được chia thành tổ 2 người ở chung 1 phòng. Lịch hoạt động hàng ngày, cứ 7h30 sáng toàn đội dậy, vệ sinh buổi sáng, ăn sáng rồi nghỉ ngơi để chờ buổi tập chiều. Ngày nào cũng như ngày nào, đều “như vắt chanh”.

Do tính chất quan trọng của giải đấu (quyết định tấm vé tham dự VCK U20 châu Á năm 2015) và lại rơi vào bảng “tử thần” với cả 3 đối thủ đều “khủng” gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc nên các cầu thủ được yêu cầu tập trung tối đa cho nhiệm vụ tập luyện, thi đấu.

Ngoại trừ hành trình từ khách sạn tới sân vận động để tập luyện, các hoạt động khác của đội đều được giới hạn trong khuôn viên khách sạn. Sang Myanmar từ ngày 5/10 nhưng đội “nói không” với tất cả các hoạt động tham quan, ngắm cảnh hay mua sắm…

Toàn đội được bố trí ăn uống ngay trong phòng ăn của khách sạn. Đồ ăn của đội, một nửa do đầu bếp khách sạn lo và một nửa do các đầu bếp Việt Nam chuẩn bị để đảm bảo hợp khẩu vị và đủ chất.

Sau giờ ăn, cầu thủ được phép ngồi lại sảnh khách sạn nghỉ ngơi rồi lập tức trở về phòng. Khu vực phòng ở của toàn đội được yêu cầu cách ly hoàn toàn với những người không có nhiệm vụ, bao gồm cả giới truyền thông, vốn rất được ưu ái. Các cầu thủ được phép sử dụng điện thoại di động, lướt web, liên lạc với bạn bè và người thân. Việc sử dụng điện thoại di động chỉ bị cấm hoàn toàn trong ngày thi đấu.

Mỗi buổi tập tại Nay Pyi Taw theo quy định của HLV Guillaume Graechen, luôn kéo dài trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Thủ đô của Myanmar hiện trong thời điểm nắng nóng nên chỉ sau 10 phút khởi động ban đầu, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Tất cả mặc dù vậy vẫn miệt mài thực hiện các yêu cầu của ông thầy người Pháp.

Truyền thông: cởi mở trong khuôn khổ

Có lẽ chưa đội tuyển nào lại thể hiện sự cởi mở với giới truyền thông như U19 Việt Nam. Các phóng viên ở chung khách sạn, được HLV Guillaume Graechen cho đi cùng xe chở đội trong các buổi tập. BHL đội tuyển U19 dù vậy không phải không lo lắng trước việc đội có phần được truyền thông ưu ái.

Ông Guillaume trong ngày thứ hai ở Nay Pyi Taw đã đưa ra một đề nghị nhỏ với các phóng viên: giảm “đeo bám” cầu thủ U19 trước một ngày và trong ngày có trận đấu. Nhà cầm quân người Pháp muốn các học trò có thời gian để nghỉ ngơi và không bị phân tâm bởi ngoại cảnh.

Một quy định trước đó cũng được phổ biến ở đội tuyển U19 Việt Nam, là ngoại trừ HLV trưởng hoặc lãnh đạo đội được chỉ định, các thành viên khác không được phép trả lời báo chí, đặc biệt là các cầu thủ. Cầu thủ chỉ được tiếp xúc với báo chí trong trường hợp đặc biệt.

Đứng cạnh Đông Triều trong buổi tập chiều qua, nhưng gặng mãi cũng không thể “khai thác” được thông tin gì từ trung vệ đội tuyển U19 Việt Nam. Thông tin duy nhất Đông Triều chia sẻ là…ở cùng phòng với tiền đạo Văn Long. Chỉ thế thôi nhưng có lẽ cảm thấy bị “hớ”, các câu hỏi sau đấy cậu đều lắc đầu, gồm cả tình hình chấn thương của mình. “Anh thông cảm, em không được phép trả lời. Cái này phải hỏi trưởng đoàn với bác sĩ”.

Ấy thế nhưng trên xe, Đông Triều là một trong những thành viên vui tính, tích cực trêu chọc các đồng đội nhất. Bất chấp chấn thương bắp chân khiến không thể thi đấu được trận đầu tiên, Đông Triều lúc nào cũng cười rất tươi, cả trong các buổi tập của đội.

Theo Trưởng đoàn bóng đá HA.GL Nguyễn Tấn Anh, điều may mắn là các cầu thủ U19 Việt Nam vẫn rất tập trung cho việc tập luyện, thi đấu, không bị phân tâm bởi các yếu tố ngoại cảnh. Điều này thực sự quan trọng, bởi trước các đối thủ mạnh của châu lục, U19 Việt Nam cần giữ được sự tập trung tối đa.