Nhân kỉ niệm Thủ đô Hà Nội tròn 60 năm ngày giải phóng (10/10/1954-10/10/2014), báo Tiền Phong giới thiệu 5 gương mặt thể thao ưu tú nhất của giai đoạn đáng nhớ này.
1. Lưu Đình Tòng và tuyệt chiêu móc bóng
Biệt danh Tòng “cháy”, hậu vệ sừng sỏ của Hoàng Diệu, Công an Hà Nội và ĐTQG (miền Bắc), lập nhiều công trạng hiếm có. Đặc biệt, tại cuộc bầu chọn 11 cầu thủ bóng đá hay nhất do báo Hà Nội mới tổ chức lần đầu tiên vào ngày 1/1/1960, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, Lưu Đình Tòng là số một tuyệt đối, xếp dưới ông là những danh thủ của Thể Công, TS Đường sắt, Thanh niên Hà Nội như Trương Tấn Nghĩa, Bùi Đức, Nguyễn Thành Đô, Diệp Phú Nàm, Trần Tương Lai, Ngô Xuân Quýnh...
Theo nhà báo kì cựu Nguyễn Lưu, danh thủ Tòng “cháy” có nhiều tuyệt chiêu nhưng đáng nói nhất là cú tung người móc bóng cứu thua trên vạch vôi đội nhà. Trong bối cảnh bóng đá ngày ấy thì cú móc bóng của ông thuộc loại “vô tiền khoáng hậu”, được thực hiện nhiều lần trên mặt sân Hàng Đẫy mà thế hệ U70 người Hà Nội còn nhớ. Danh thủ Tòng “cháy” có người con rể cũng là cầu thủ nổi tiếng, trung phong Lê Quang Ninh (Ninh “đen”) của Cảng Hải Phòng.
2. Bùi Lương - Hơn 50 năm vẫn chạy tốt
Bùi Lương từng phá nhiều kỷ lục quốc gia ở cự ly đường trường, là thầy của nhiều vận động viên điền kinh xuất sắc. Với bề dày thành tích, ý chí kiên cường, cùng niềm đam mê vô hạn với môn điền kinh, mọi người thường gọi Bùi Lương là “ông già gân” hay “Bùi Lương chạy hoài không biết mỏi”. Bùi Lương từng nói một câu bất hủ: “Tôi có đến chết mới hết chạy”. Và bây giờ ông vẫn chạy hàng chục km mỗi ngày.
3. Hoàng Vĩnh Giang và chiến lược “đi tắt đón đầu”
Ông Hoàng Vĩnh Giang được ví như một nhà thể thao bẩm sinh. Mặc dù là kỉ lục gia nhảy cao nhưng khi sang Liên Xô cũ học Phó tiến sĩ ông đã âm thầm mở lớp…dạy võ. Ông trở thành nhà quản lý thể thao xuất sắc và nhiều năm làm “tư lệnh” Đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, ASIAD hay Olympic. Ông Giang là kiến trúc sư của chiến lược “đi tắt đón đầu”, mạnh dạn đưa các môn thể thao mới vào Việt Nam giúp các VĐV đoạt được vô số huy chương ở tầm thế giới và châu lục. Ông Hoàng Vĩnh Giang là người đầu tiên trong ngành thể thao được phong Anh hùng lao động.
4. Nguyễn Thị Mai - từ cây vợt bóng bàn đến “bà Hội đồng”
Tay vợt nữ này xuất sắc giành nhiều HCV vô địch miền Bắc, HCV đơn nữ giải VĐQG đầu tiên sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một sự hiếm khi Nguyễn Thị Mai là thành viên của HĐND thành phố Hà Nội. Năm 1964, ngay trong lần thi đấu quốc tế đầu tiên ở Giải mời Bắc Kinh, Nguyễn Thị Mai đã giành giải nhất nhóm dưới sau khi hạ các cao thủ đến từ CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ, Malaysia. Tại Giải vô địch châu Á lần thứ nhất năm 1982, Nguyễn Thị Mai cũng lọt vào nhóm 16 tay vợt mạnh nhất. Khi dự ASIAD năm 1982, chị cùng đồng đội giành hạng 6.
5. Nguyễn Thị Thúy Hiền - cô gái vàng của thể thao Việt Nam
Ngoại trừ một giải đấu duy nhất Thúy Hiền không đạt huy chương vàng là Đại hội thể thao châu Á Asiad 1994, tổng cộng cô đã giành được 7 huy chương vàng thế giới, 2 huy chương vàng châu Á, 2 huy chương vàng Đông Nam Á, và là vận động viên wushu Việt Nam giành nhiều huy chương vàng nhất tại các kỳ SEA Games với 8 lần bước lên bục cao nhất.
Thúy Hiền đã 6 lần đoạt danh hiệu Vận động viên tiêu biểu trong năm của thể thao Việt Nam (các năm 1993, 1996, 1997, 1998, 1999, 2001), được Nhà nước Việt Nam trao đủ bộ Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba.
Hiện cô là huấn luyện viên và trọng tài môn Wushu cho Sở Thể dục Thể thao Hà Nội.