Nhiều vận động viên bơi lội nổi tiếng, trong đó có cố VĐV Trần Xuân Hiền đã xuất thân từ ngôi làng nhỏ bé này…
“Con nít ở làng biết đi là biết bơi”
Trưởng làng Hà Cạn dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh làng. Ông bảo, làng Hà Cạn bây giờ đã có ruộng đất để sản xuất nông nghiệp nhưng trước đây làng lấy nghề đánh bắt cá tôm trên sông làm nghiệp mưu sinh. Không biết có phải vì thế mà người làng từ già đến trẻ ai cũng biết bơi và bơi rất giỏi.
Cũng theo ông Khơ, Hà Cạn chỉ có 120 hộ nhưng những năm qua đã cung cấp hàng chục vận động viên thành tích cao cho làng bơi lội Việt Nam. Hầu như năm nào 2 trung tâm thể thao lớn của đất nước là Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng và Trung tâm Thể thao Quốc phòng 5 cũng cử người về làng Hà Cạn tuyển những cậu bé, cô bé ở độ tuổi từ 8 - 10 tuổi để đào tạo VĐV cho môn bơi lội.
Từ những cái nôi đào tạo cơ bản này, nhiều con em làng Hà Cạn đã trở thành những “kình ngư” nổi tiếng trên đường đua xanh. Một trong những VĐV đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hà Cạn nói riêng và của tỉnh Quảng Bình nói chung đó là Trần Xuân Hiền.
Năm 2001, tại SEA Games 21 tổ chức ở Malaysia, VĐV Trần Xuân Hiền đã mang về tấm Huy chương Bạc ở nội dung 100m ếch cho thể thao Việt Nam.
Các nhà bình luận thể thao lúc đó gọi tấm huy chương của Hiền là “quý hơn vàng”. Bởi, trước Trần Xuân Hiền tới 28 năm chưa có một VĐV bơi lội nào thực hiện được kỳ tích này. Là một VĐV bơi lội tài năng nhưng cuộc đời của Hiền lại quá ngắn ngủi. Năm 2013, Hiền bị tai nạn giao thông và qua đời khi còn rất trẻ, để lại bao niềm tiếc thương cho người thân và bạn bè…
Nối tiếp Trần Xuân Hiền, nhiều VĐV bơi lội xuất thân từ làng Hà Cạn cũng đã gặt hái được những thành tích cao, đem vinh quang về cho thể thao Quảng Bình và những đội tuyển mà họ đầu quân như: Lê Thị Lệ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Đức…
Ông Nguyễn Cương Chính (trái) và những tấm huy chương mà các con ông mang về.
Đến nhà của các VĐV bơi lội ở làng Hà Cạn, điều làm chúng tôi thực sự sửng sốt là nhà nào cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm tấm huy chương các loại treo trên tường. Ngoài SEA Games, tại các giải bơi lội lớn trong nước, hầu như giải bơi nào cũng có người làng Hà Cạn giành huy chương!
Con đường “thoát ly”
Theo trưởng làng Trần Công Khơ, Hà Cạn là một làng thuần nông, người dân quanh năm quăng quật vớt hạt lúa củ khoai, cuộc sống vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để thoát khỏi cuộc sống “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bao năm qua, người làng Hà Cạn có 2 con đường “thoát ly” đó là học thật giỏi và con đường thứ 2 là trở thành vận động viên bơi lội.
Ở làng Hà Cạn không khó để tìm những gia đình có từ 2 đến 3 VĐV như gia đình ông Nguyễn Cương Chính có 4 người; Lê Quang Cảnh có 2 người; Trần Xuân Thắng có 2 người con theo nghiệp bơi lội.
Trong hàng chục vận động viên bơi lội của làng Hà Cạn, có nhiều người sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, được tạo điều kiện đi học đại học để trở thành huấn luyện viên, giáo viên chuyên nghiệp ở các trường, trung tâm thể dục – thể thao như VĐV: Lê Thị Lệ, Lê Thị Diễn... Có nhiều người trở thành nhưng quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong quân đội như Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Văn Lâm…
Nhiều người khác khi kết thúc sự nghiệp thi đấu họ ra ngoài xin những công việc khác thích hợp để làm. Ông Nguyễn Cương Chính – bố đẻ của 4 vận động viên bơi lội “thoát ly” từ làng Hà Cạn cho biết, hầu như những vận động viên bơi lội sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu đều dễ dàng kiếm được việc làm.
Những công việc mà các VĐV bơi lội xuất thân từ làng Hà Cạn thường chọn là quản lý bể bơi, khách sạn, nhà hàng… “Mấy đứa nó là vận động viên bơi lội nên phần lớn đều cao to, trắng trẻo, xinh đẹp nên khi xin việc ở các nhà hàng, khách sạn thì chủ ở đó họ rất thích, nhận ngay” – ông Chính chia sẻ.
Hầu như năm nào các trung tâm huấn luyện và đào tạo thể thao lớn trong cả nước cũng về làng Hà Cạn để tuyển chọn vận động viên bơi lội. Theo ông Trần Công Khơ, lứa tuổi họ chọn thường 8 - 10 tuổi.
Cách họ chọn vận động viên cũng khá kỹ càng: Họ đến từng nhà xem “tướng” thật kỹ từng đứa trẻ. Họ thường đo độ dài của khớp cổ tay, đứa trẻ nào có khớp cổ tay dài thì thường được chọn. Sau khi đo tay, chân... họ bảo các em ra sông bơi thử. Họ nhìn các em bơi và chú ý những em nào khi bơi mà cả đầu và mông đều nổi trên mặt nước thì chọn em đó trước tiên…