Khi giấc mơ “truyền lửa” thành hiện thực

Ngày đăng 12/08/2014 08:00

Từ BLV “phủi” đến BLV chuyên nghiệp.

Đinh Hữu Hải Thanh - chàng trai người Hoà Bình vừa thắng cuộc tại NTL mùa 2 tâm sự: “Bây giờ tôi có thể tự tin để nói với bố mẹ rằng bằng khả năng và sự cố gắng của mình, tôi đã chạm được vào giấc mơ”.

Thất bại trong Người truyền lửa mùa đầu tiên, Hải Thanh không nản chí. Với đam mê và khả năng Thanh được mời bình luận những giải bóng đá “phủi” như Cúp Độc Lập, cúp Mùa Xuân. Đó là không gian mà Thanh phải bình luận trực tiếp trận đấu bằng micro ngay cạnh sân cỏ với hàng trăm cổ động viên vây quanh. “Một BLV bóng đá cần nhất là đam mê, là sự nhiệt huyết trong nghề. Những sân bóng “phủi” giúp tôi học khá nhiều kĩ năng truyền lửa. Nhưng để những kĩ năng ấy được hoàn thiện một cách chuyên nghiệp chúng tôi cần đến những chương trình đào tạo bài bản như Người truyền lửa.

Top 3 Người Truyền Lửa mùa thứ 2 (từ trái qua): Phạm Anh Tùng, Vũ Minh Anh, Đinh Hữu Hải Thanh

Cũng như một cầu thủ chơi bóng “phủi”, bước vào sân chơi chuyên nghiệp, Hải Thanh đã tận dụng ba tháng thử thách ở Người truyền lửa mùa 2 để tự hoàn thiện khả năng của mình. “Chúng tôi còn cần tiếp tục hoàn thiện khả năng của mình. Điểm mạnh của tôi là chất giọng, tuy nhiên theo các giám khảo đôi khi tôi còn chỉn chu và cẩn thận quá nên không giữ được độ sung trong suốt trận đấu”- Hải Thanh nói.

Thả xuống nước để tự bơi

Là một trong 3 thí sinh xuất sắc nhất của Người Truyền lửa mùa 2, BLV trẻ Vũ Minh Anh thẳng thắn thừa nhận: “Đến bây giờ cá nhân tôi và cả hai bạn thắng cuộc đều tự tin để vào cabin bình luận trực tiếp. Tuy nhiên, cái thiếu của chúng tôi là kinh nghiệm thực tế. Điều này sẽ được bổ sung trong môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng cũng đầy áp lực của K+ với rất nhiều giải đấu khác nhau”.

Còn đối với người thắng cuộc Phạm Anh Tùng, việc bổ sung kiến thức chuyên môn là rất cần thiết và liên tục. “Ở Người truyền lửa chúng tôi đã được tham gia các khoá đào tạo kiến thức chuyên môn, kiến thức về luật, chiến thuật, nhưng sẽ không bao giờ là đủ. Tôi nhận thấy mỗi BLV có một thế mạnh riêng như BLV Quang Huy đó là cách khai thác câu chuyện, lịch sử của đội bóng, cầu thủ hay BLV Quang Tùng lại có nhãn quan bình luận chiến thuật rất tốt. Tôi muốn kết hợp cả hai điều đó để đem lại những trận đấu thực sự thoả mãn cho khán giả”- BLV Phạm Anh Tùng nói.

Nhận xét về lớp BLV trẻ của Người truyền lửa, BLV Ngô Quang Tùng cho rằng thế hệ BLV đi trước phải tự “mò mẫm”, học hỏi để tích luỹ những kĩ năng, kinh nghiệm trong nghề bình luận. “Thế hệ BLV trẻ bây giờ may mắn hơn chúng tôi rất nhiều vì họ có điều kiện để tiếp cận thông tin nhanh hơn, các kênh tìm kiến thông tin, tích luỹ kiến thức cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, áp lực bây giờ cũng khá lớn đòi hỏi mỗi BLV phải hoàn thiện bản thân từng ngày, qua từng trận đấu nếu không muốn bị tụt hậu. Muốn như vậy các BLV trẻ không còn cách nào khác, sau khi bước ra từ cuộc thi, phải nhảy xuống nước tự bơi, tự chiến đấu với áp lực”, BLV Ngô Quang Tùng đánh giá.

Mùa giải mới đã bắt đầu, những trận cầu hấp dẫn phát trên các kênh K+ sẽ là cơ hội để các BLV trẻ thực hiện những ước mơ lớn của mình - ước mơ thổi lửa vào trận đấu và truyền lửa đến người xem.