Từng nắm đội tuyển quốc gia, ông có hiểu cảm giác và tâm trạng của HLV Miura lúc này không, thưa ông?
Tôi cho rằng ông ấy đang chịu nhiều áp lực, rất nhiều áp lực. Thậm chí khó tránh khỏi cảm giác cô đơn. Nhưng đấy là điều mà bất cứ người làm nghề nào cũng phải chịu, nhất là khi nắm đội tuyển quốc gia. Nghề HLV luôn song hành với áp lực, khắp thế giới đều thế cả.
So với các nền bóng đá khác, ông có cho rằng bóng đá Việt Nam có những áp lực đặc thù không?
Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy thôi, khán giả luôn có những đòi hỏi, luôn có những ý kiến chỉ trích mà sau mỗi trận đấu không thành công, các HLV buộc phải nghe và buộc phải làm quen. Tôi cho rằng ông Miura cũng không ngại những ý kiến dạng này hay áp lực từ phía khán giả.
Đấy là về mặt người hâm mộ, còn đứng trên góc độ của những nhà quản lý, cụ thể là với VFF, họ cần làm gì với HLV Miura vào lúc này?
Đây lại là một phạm trù khác. Người hâm mộ có thể có những nhận xét khác nhau, nhưng VFF phải bảo vệ HLV Miura. Vị HLV người Nhật cần được bảo vệ và VFF phải là nơi bảo vệ ông ấy. Họ phải ủng hộ ông Miura để ông đấy yên tâm với công việc. Nếu những người quản lý đã có lộ trình, đã có kế hoạch thì phải bảo vệ HLV Miura thực hiện lộ trình và kế hoạch ấy.
Phải sau khi HLV Miura kết thúc lộ trình của mình, những nhà quản lý mới có cơ sở để đánh giá thành công hay thất bại. Không thể vì một hay một vài trận đấu mà vội vã kết luận được, VFF không phải là người hâm mộ thông thường, nên càng không thể đánh giá theo kiểu cảm tính.
Vậy quan điểm của ông như thế nào về nhận xét của phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức về HLV Miura trong thời gian vừa rồi?
Tôi cho rằng nhận xét đấy là không nên. Nếu anh Đức là một CĐV bình thường, anh ấy muốn nói gì cũng được, vì người hâm mộ có quyền nói. Đằng này, anh Đức lại là một nhà quản lý, đóng vai trò trong công tác định hướng, nên càng không thể phát biểu vội vàng.
Đấy là chưa kể quan điểm của anh Đức vừa thiếu nhất quán lại không rõ ràng. Trước đây cũng chính anh Đức khen HLV Miura, giờ lại quay sang chê, lúc thế này, lúc thế khác, thì đúng là không biết nên nghe theo hướng nào. Tôi cho rằng lẽ ra đã là người giữ cương vị quản lý thì cần đưa quan điểm trong các buổi họp, trước khi đi đến quan điểm chung, chứ không thể mỗi nhà quản lý lại phát biểu mỗi kiểu.
Còn về chất lượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam so với mặt bằng khu vực và châu lục thì sao thưa ông, cụ thể hiện nay so với thời điểm chúng ta vô địch AFF Cup 2008?
Tôi nghĩ rất khó so sánh vì mỗi thời mỗi khác, mỗi thời đều có những nét riêng, cầu thủ hiện nay khác và cầu thủ lúc đó khác. Ta khác và đối thủ cũng khác, Thái Lan bây giờ chắc chắn không khác với Thái Lan của thời điểm năm 2008.
Có nghĩa là việc đánh giá thành công hay không thành công với một HLV phải dựa trên nhiều yếu tố tổng hợp?
Khi đội tuyển thi đấu thiếu thuyết phục, HLV dĩ nhiên chịu trách nhiệm. Thời tôi thất bại ở AFF 2012, tôi cũng không lạ điều này và cũng không né tránh trách nhiệm. Tôi nghĩ HLV Miura cũng chấp nhận điều đó. Nhưng ngay cả việc nhìn nhận trách nhiệm cũng cần công bằng và toàn diện.
Như tôi đã nói, chúng ta cũng xem lại kế hoạch của của đội tuyển trong thời đại Miura là gì, chỉ tiêu mà VFF giao cho ông ấy ra sao, có thực hiện trọn vẹn hay không, trước khi đánh giá thành công hay thất bại, trước khi có đánh giá toàn diện về một HLV.
Xin cảm ơn ông!