HLV Miura tại vị đến hết hợp đồng

Ngày đăng 14/10/2015 23:27

Sáng 15/10, HLV Toshiya Miura khi trả lời Tiền Phong đã phủ nhận thông tin ông từ chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Theo ông Miura, ông không sử dụng tài khoản Facebook. “Chắc chắn là không! Tôi không bao giờ cập nhật Facebook”-HLV Miura nói.

Bác bỏ tin đồn

Trước đó, trên trang mạng xã hội này đã xuất hiện tài khoản mang tên Toshiya Miura, cho biết sẽ thôi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Trao đổi với Tiền Phong, Phó chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Trần Quốc Tuấn cũng khẳng định, VFF chưa được nghe báo cáo về việc HLV Toshiya Miura từ chức. Ông Tuấn đã sử dụng từ “bình tĩnh” khi được nhắc đến đòi hỏi sa thải ông Miura hiện nay từ một bộ phận dư luận.

Sức ép đòi sa thải HLV Toshiya Miura đối với VFF chỉ mới giảm xuống sau trận hoà đầy cảm xúc trước Iraq thì đã lại tăng lên ngay sau đấy khi đội tuyển Việt Nam thua Thái Lan 0-3 ở Mỹ Đình, bất chấp thực tế chênh lệch về trình độ giữa đôi bên.

Các phân tích chuyên môn đều cho thấy trong cuộc đối đầu trên, ông Miura thất thế hoàn toàn so với đồng nghiệp trẻ Kiatisuk, chỉ xét đơn thuần ở góc độ lực lượng. Đội hình Thái Lan bao gồm các cầu thủ đã được ăn tập, rèn luyện và thi đấu cùng nhau trong 3 năm trở lại đây, đã chinh chiến từ SEA Games 2013, xuyên qua AFF Cup 2014 và cả SEA Games 2015.

Trong quá khứ, HLV Kiatisuk từng không thành công khi đảm nhiệm cương vị HLV trưởng CLB HA.GL, dù trước đó đã nhiều năm thi đấu ở V.League. Điều này phần nào cho thấy cựu danh thủ Thái Lan hiện đang may mắn khi nắm trong tay dàn cầu thủ có chất lượng đồng đều cả 3 tuyến và trội hơn so với các đối thủ trong khu vực. Để đạt được điều này, Thái Lan đã chấp nhận một thời gian khá dài thất bại trên mọi mặt trận ở đấu trường khu vực, từ SEA Games đến AFF Cup.

Dàn quân của HLV Toshiya Miura, trong khi đó như đánh giá của chính HLV Kiatisuk, có quá nhiều cầu thủ trẻ, ít kinh nghiệm. Khác biệt của đôi bên có thể nhìn rõ qua màn trình diễn giữa Chanathip, tiền đạo trẻ số 18 của Thái Lan với Công Phượng sau khi được vào sân trong hiệp 2. Đây là 2 cái tên được so sánh và nhắc đến nhiều nhất mỗi khi các đội bóng Thái Lan đối đầu Việt Nam gần đây. Trong khi Chanathip liên tục khuấy đảo hàng phòng ngự Việt Nam thì Công Phượng gần như mất bóng trong suốt thời gian xuất hiện trên sân. Công Vinh vẫn hiệu quả với kinh nghiệm thi đấu dày dạn, dù thể lực đã không còn tốt như trước. Tuy nhiên, việc ông Miura vẫn phải trọng dụng anh phần nào cho thấy sự thiếu hụt của các cầu thủ trẻ chất lượng, trong khi lứa cầu thủ cũ của Việt Nam đã xuống dốc.

Sức ép của Miura

So với HLV Toshiya Miura, một người tiền nhiệm của ông là HLV H.Calisto cũng tỏ ra may mắn hơn khi nắm lực lượng gồm những gương mặt xuất sắc nhất, đang ở giai đoạn chín của sự nghiệp, trải đều 3 tuyến như Dương Hồng Sơn, Như Thành, Phước Tứ, Minh Phương, Tấn Tài, Vũ Phong, Công Vinh…Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có thêm sự may mắn mới lần đầu tiên đăng quang chức vô địch đấu trường khu vực, vào năm 2008.

“HLV Miura hiện còn cái khó so với các HLV trước là chịu sức ép của đòi hỏi phải đá đẹp, mà phải thắng, trong khi lực lượng lại yếu so với đối phương. HLV trưởng ĐTQG chỉ là người làm công việc sau cùng của cả nền bóng đá. HLV Calisto ngày trước được đánh giá là xây dựng lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt Nam, nhưng vẫn bị chỉ trích khi đội tuyển thua, rồi phải tự ra đi. Nếu giờ Việt Nam chơi tấn công đẹp mắt nhưng thua trận, dư luận liệu có chấp nhận?”- một thành viên BCH hôm qua nói.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, dù còn các quan điểm khác nhau trong nội bộ, nhưng Thường trực VFF gần như chắc chắn chưa cân nhắc chuyện sa thải HLV Toshiya Miura.

Thực tế, ông Miura đã đem lại khá nhiều thành tích cho bóng đá Việt Nam thời gian vừa qua. VFF vì vậy sẽ chỉ cân nhắc ngừng hoặc tiếp tục gia hạn hợp đồng với HLV Miura cho đến khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn trong tháng 4/2016.