Khoảng thời gian này 2 năm trước, cả thế giới thể thao như “ngã ngửa” khi Lance Armstrong, nhà vô địch Tour de France 7 lần chính thức thừa nhận anh đã lừa dối xuyên suốt những năm thi đấu để gặt hái vinh quang. Từ một thần tượng về nghị lực chiến đấu, vượt qua căn bệnh ung thư, Armstrong trở thành một “kẻ lừa đảo” và cú sốc đã trở thành một trong những scandal lớn nhất trong lịch sử thể thao nhân loại.
Cựu cua rơ người Mỹ đánh mất tất cả, từ danh tiếng cho tới tiền bạc (ngay sau khi thừa nhận trước truyền thông, Armstrong đã bị các nhà tài trợ cắt đứt hợp đồng với tổng trị giá lên đến 75 triệu đô la). Vết đen đó khiến niềm tin của nhiều người hâm mộ sụp đổ, tuy nhiên ít ra nó cũng trở thành một bài học cho các thế hệ sau.
Scandal chấn động của Armstrong
Gần đây, Don Hooton, chủ tịch của Quỹ Taylor Hooton đã quyết định đưa vụ việc của Armstrong vào những bài thuyết giảng cho giới trẻ về hệ quả của việc lạm dụng những chất kích thích hormone.
Năm 2003, con trai của Hooton khi đó mới 17 tuổi đã qua đời sau khi sử dụng anabolic steroids, một loại chứa chất tổng hợp liên quan đến testosterone, các hormone sinh dục nam dùng có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết. Chất này được dùng để giảm lượng chất béo, tăng cơ bắp, tuy nhiên sau đó có những tác hại vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.
Từ nỗi đau mất mát, Don Hooton đã quyết định thành lập Quỹ mang tên cậu con trai mình để hướng giới trẻ đến cái nhìn đúng đắng hơn. Bởi những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng học ở Mỹ đã phải lên tiếng báo động về xu hướng lạm dụng thuốc anabolic steroids.
Ông cho biết: “Anh ta (Lance Armstrong) được dùng như một tấm gương chúng tôi cho những đứa trẻ thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn lừa dối. Mỗi năm chúng tôi tổ chức hơn 250 sự kiện ở khắp mọi nơi và đã nói chuyện với hơn 1 triệu người. Chúng tôi luôn sử dụng hình ảnh của Armstrong để nói rằng, bạn sẽ phải trả giá nếu dối lừa. Hãy nhớ rằng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.”