Sự xuất sắc của Djokovic được đo bằng ngôi vị số 1 vẫn thuộc về anh dù cho anh chỉ là số 2 (sau Nadal) trong hơn nửa đầu tiên của năm và trong hai tháng cuối mùa đã cảm thấy hơi hầm hập nóng từ thách thức mạnh mẽ của Federer.
Nó cũng được tính bằng 7 danh hiệu vô địch trong đó gồm Wimbledon, ATP World Tour Finals, bốn Masters 1000.
Và chỗ đứng của Djokovic trong lịch sử thế giới tennis cũng trở nên vững vàng hơn từ những thành tích ấy: Đứng thứ tư trong danh sách các tay vợt giàu thành tích nhất ở hệ thống Masters 1000 qua mọi thời đại (sau Nadal, Federer và Lendl); Vượt qua những huyền thoại như Edberg, Becker, nằm trong số 20 tay vợt nam giàu thành tích nhất ở Grand Slam; Và trở thành người đầu tiên sau Lendl vô địch World Tour Finals ba năm liên tiếp.
Hoặc cũng có thể tính tới những điều xem ra ít người chú ý như vượt qua cột mốc hơn 600 trận thắng ở tuổi 27 và kiếm hơn 14 triệu USD tiền thưởng trong năm để tổng số tiền thưởng giờ đã là hơn 72 triệu – chính thức vượt qua Nadal (71 triệu) và chỉ còn kém Federer (88 triệu).
Djokovic giữ vững ngôi số 1 bất chấp sự bám đuổi quyết liệt của Federer
Trong một năm bão tố
Những thành tích ấy nếu so với giai đoạn 2011 -2012 huy hoàng của chính Djokovic thì nhiều chỉ số chỉ là số lẻ. Nhưng nó là một kết quả đặc biệt trong một năm mà tennis thế giới dường như bắt đầu rẽ sang một hướng khác hoặc giản đơn hơn là bị xáo trộn trước sự nổi lên của những tay vợt nằm ở tốp sau.
Thành tích ở bốn giải Grand Slam là đáng tự hào khi cùng với Nadal là hai tay vợt trong nhóm Big 4 không rơi vào cảnh trắng tay (Federer chỉ có một trận chung kết còn Murray không một lần đi tới trận cuối cùng). Và với một chức vô địch, một á quân, một bán kết và một tứ kết, Djokovic là người xuất sắc nhất.
Thành tích ở Masters 1000 (bốn danh hiệu) của anh nhiều hơn cả so với thành tích của Federer (hai), Nadal (một) và Murray (không) cộng lại.
Djokovic có thể đứng sau Federer về số lượng các trận thắng trong năm nay (61 so với 72) nhưng tỉ lệ chiến thắng của anh là cao nhất với 0,884%.
Djokvic năm nay đã tám lần bị đánh bại (trong đó có ba lần chí mạng trước Nadal ở chung kết Roland Garros, tứ kết trước Wawrinka ở Australian Open và trước Nishikori ở bán kết US Open, nhưng anh vẫn đứng số 1 ở chỉ số này.
Trong một năm “hỗn loạn”, giai đoạn mà các tay vợt hàng đầu liên tục bị quật ngã bởi các gương mặt thuộc về chiếu dưới hay tiềm năng thì Djokovic là người ít trở thành nạn nhân của bất ngờ nhất: Anh chỉ có ba trận thua trước các đối thủ không nằm trong top 10 trong khi con số tương tự của Federer là 6, Nadal là 7 và Murray là 9.
Một kết cục hợp lý
Thất bại ở Thượng Hải Masters (thua Federer ở bán kết) không làm thay đổi một nhận định gần như đã trở thành chân lý: Djokovic là Hoàng đế mùa Thu – giai đoạn được tính kể từ sau US Open.
Anh vô địch Bắc Kinh Open, Paris Masters và ATP World Tour Finals thuyết phục bởi việc bất chiến tự nhiên thành ở trận chung kết tại London (Federer bỏ cuộc vì chấn thương lưng) mới đây cũng cho thấy sự bền bỉ của một tay vợt trong cả một mùa giải kéo dài.
Nhưng trước khi bước vào giai đoạn có phong độ cực cao này thì Djokovic cũng không phải trải qua giai đoạn sút giảm phong độ nghiêm trọng. Anh thua Nishikori ở US Open khi tay vợt người Nhật Bản thăng hoa nhất và điều tương tự cũng xảy ra ở Australian Open trước Wawrinka.
Năm 2014 không phải đỉnh cao phong độ của Djokovic nhưng là lý tưởng khi so với một Federer đã bước sang tuổi 33 còn Nadal dù chỉ 28 tuổi nhưng đã có chẵn chục năm tính từ lúc anh bắt đầu chạm tới ngưỡng đỉnh cao (từ 2004).
Chấn thương cổ tay (sau đó anh cho biết là ở phần trên cổ tay) của Djokovic khiến anh phải rút lui khỏi Madrid Masters nhưng nó chỉ là sự ngáng trở rất nhỏ so với Nadal.
Nole xứng đáng là tay vợt số 1 của năm
Người sinh cùng tháng cùng năm và đã đánh bại anh nhiều lần ở các trận đấu lớn (trong đó có US Open 2012) là Murray không dính các chấn thương nghiêm trọng và về lý thuyết cũng đang ở độ tuổi sung sức nhưng không còn là một thế lực sau khi bị HLV Lendl bỏ rơi.
Djokovic tưởng như cũng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng HLV khi Boris Becker tỏ ra không phải là sự lựa chọn xứng đáng để HLV Marian Vajda lui về phía sau và chỉ xuất hiện ở vài giải đấu. Nhưng Djokovic vốn dĩ đã đạt đến sự hoàn thiện về kỹ năng và lối chơi lại không thuộc mẫu các tay vợt cần phải có một chỗ dựa lớn khi thi đấu đơn độc trên sân.
Xuất sắc phải là như thế, cả khi bình yên cũng như giông tố!
Video Nole đăng quang ATP World Tour Finals: