F1 – Mỗi đội đua có 3 chiếc xe: Nên hay không?

Ngày đăng 18/11/2014 19:05

Khi đưa ra ý tưởng này ông Ecclestone cho rằng có thể sẽ chỉ có 8 đội đua với 24 chiếc xe, nhưng họ là 8 đội đua mạnh nhất và có khả năng về tài chính hơn là có 22 chiếc xe của 11 đội đua trong đó có rất nhiều đội đua thực sự khó khăn. Những ý kiến này ám chỉ đến các đội đua như Marussia, Caterham, Lotus và Sauber đang trong giai đoạn khó khăn và nếu như trong trường hợp có từ 3 đội đua không tham dự được thì FIA có thể cho phép các đội chạy 3 xe.

Các đội đua đang trong giai đoạn khó khăn và có bề dày trong lịch sử F1 như Lotus và Sauber chắc chắn không mong muốn điều này, chỉ có 2 chiếc xe họ chắc chắn vẫn sẽ tìm mọi cách ở lại và tham dự mùa giải 2015.

Kvyat sẽ có cơ hội phát triển tài năng ở Red Bull nếu mỗi đội đua có 3 xe!?

Sau ý tưởng này có rất nhiều thông tin, phản ứng được đưa ra. Những ý kiến ủng hộ cho rằng nên có 8 đội/24xe thì cơ hội các đội đua có xe lọt vào vòng phân hạng thứ 3 (Q3) sẽ tăng lên chứ không như thực tế có đội đua chỉ đặt mục tiêu lọt qua Q1 như Marussia hay Caterham, qua nhiều năm các đội đua mới gần như không thể vượt qua được hai vòng loại đầu tiên để có tên trong tốp 10.

Chỉ có 8 đội đua thì các đội có nhiều cơ may gặt hái thành công và không dẫn đến nguy cơ chủ sở hữu bán đội đua và chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác như trường hợp của Lotus, Caterham hay Marussia hoặc giải tán đội đua như HRT.

Nếu có 3 xe thì cơ hội cho những tài năng trẻ được đua cho những đội lớn và biết đâu họ sẽ sớm tỏa sáng. Các thử nghiệm trong mùa giải bị hạn chế, nhưng với 3 chiếc xe các đội đua có thể được phép thử nghiệm những ứng dụng mới trong bất kỳ chặng đua nào mà họ muốn.

Cơ cấu điểm số sẽ thay đổi khi một đội đua có 3 tay đua trong tốp 10 thì sẽ chỉ tính điểm của hai tay đua có thành tích cao nhất. Tiền thưởng được phân chia cho các đội đua khi kết thúc mùa giải sẽ tăng lên đáng kể bởi chỉ có 8 đội đua thay vì 11 đội đua như hiện tại.

F1 – Mỗi đội đua có 3 chiếc xe: Nên hay không? - 2

Eric Boullier: “Không phải đội đua nào cũng có thể chi phí cho chiếc xe thứ 3.”

Những người phản đối ý tưởng này cho rằng thêm một chiếc xe thứ 3 là thêm một khoản tài chính không nhỏ, nó sẽ là gánh nặng cho tất cả các đội đua. Theo tính toán, ở một đội đua trung bình, chủ sở hữu sẽ phải chi thêm khoảng hơn 40 triệu USD/1mùa cho chiếc xe thứ 3, tức là ngân sách hoạt động hàng năm tăng từ 80 lên 120 triệu!

Theo lời lãnh đội Williams - Claire Williams – thì cô cho rằng 12 đội đua và 24 chiếc xe mạnh nhất chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn 8 đội – 24 xe. Ông Vijay Mallya – Force India phản ứng gay gắt với ý tưởng này khi nói rằng cần phải giữ những giá trị truyền thống của F1, điều cần thiết nhất tại thời điểm hiện tại là chia sẻ doanh thu từ F1 cho các đội đua nhỏ công bằng hơn giúp cho những đội đua này tồn tại và phát triển.

Ông Eric Boullier – McLaren nhận xét Thể thức 1 đang trong quá trình chuyển tiếp, vấn đề này chắc chắn sẽ không được bàn tới trong thời gian trước mắt, ngân sách hoạt động của các đội đua đang ở mức quá cao trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn nên sẽ không có nhiều đội đua có thể chịu đựng được khoản kinh phí phát sinh cho chiếc xe thứ 3.

Ông Christian Horner chia sẻ rằng Red Bull có thể sẵn sàng cho việc có 3 chiếc xe trong một chặng đua nhưng ông mong muốn những đội đua như Marussia và Caterham có được nguồn ngân sách cần thiết để tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ trong F1 hơn là việc Red Bull cần đầu tư cho 3 chiếc xe.

Fernando Alonso thực tế hơn khi nhận xét việc Marussia, Caterham vắng mặt trong hai chặng đua vừa qua khiến chỉ có 18 chiếc xe ở vạch xuất phát là điều đáng tiếc, mặc dù Caterham chính thức thông báo sẽ trở lại ở chặng cuối nhưng không ai có thể chắc chắn họ vẫn sẽ tham dự mùa giải tiếp theo. Alonso cho rằng cần sớm áp dụng mức trần chi phí và phân chia doanh thu công bằng hơn, đó với chính là giải pháp giúp các đội đua nhỏ phát triển và cũng là để F1 phát triển.

Ý tưởng đã được đưa ra, nhưng thực tế chỉ có những nhà tổ chức mong muốn như vậy. Còn những người trong cuộc, hàng ngày gắn với hoạt động của những đội đua lại không muốn nó sẽ xảy ra khi cho rằng Thể thức 1 là nơi công nghệ phát triển không ngừng, mọi giới hạn về kỹ thuật cần phải vượt qua, nhưng trên hết cần giữ những giá trị truyền thống mà nó đã tạo dựng được trong suốt chiều dài lịch sử.

Những thay đổi nếu có cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi áp dụng vào thực tế, chỉ có vậy mới giúp Thể thức 1 giữ được vị thế hiện tại trong làng thể thao thế giới!