“Fair play” với ông Miura là “3 chữ dám”: Dám chơi, dám chịu, dám tiếp tục đi tiếp.
Dám chơi là lối đá tấn công đẹp mắt mà ông mang lại cho đội tuyển Việt Nam. Bóng đá chúng ta vẫn thường “chỉ giỏi giữ bóng”(lời ông Miura trên báo Nhật) và e dè mất tâm lý trước những đối thủ lớn. Nhưng ai cũng nhớ trận đấu Olympic Việt Nam thắng Olympic Iran với tỉ số 4-1 với lối chơi tấn công đẹp mắt đậm chất cống hiến.
Có lẽ, ông thầy Miura là người được nói nhiều nhất về những câu chuyện bên ngoài sân cỏ: Là chuyện ông tự bỏ tiền túi mua bánh sinh nhật cho các cầu thủ, chuyện của ông nói thẳng về Việt Nam và bóng đá Việt Nam trên báo Nhật. Lạ thay, những sự thật lại… được lòng người hâm mộ Việt. Người ta thấy ở ông một định nghĩa “fair play” khác, ngoài sân cỏ.
Ông Miura gây “sốc” khi chia sẻ “Thẳng thắn mà nói, V-League rất tệ. Các cầu thủ không chịu chạy, và cũng không chịu khó vận động”. Ông thầy người Nhật thật thà đến độ…chạm vào tự ái của nhiều người Việt. Mà như chúng ta thường thừa nhận với nhau rằng, hễ động chạm đến lòng tự ái là sẽ có người nhảy dựng lên! Nhưng với ông Miura lại được người hâm mộ đón nhận. Sự thắng thắn, thật thà cũng là một nét “fair play” của ông vậy!
“Fair play” với ông còn là dám chịu. Còn nhớ, khi trận lượt về trên sân Mỹ Đình đội tuyển Việt Nam thua người Mã Lai với tỉ số đậm, bị loại khỏi AFF cup ông không biện hộ nhiều, ông nhận trách nhiệm.
Và “fair play” với ông còn là dám tiếp tục đi tiếp. Không như thông lệ của đời huấn luyện, nếu không thành công sẽ xin từ chức, bỏ cuộc.
Tôi vẫn thường nghĩ trong bóng đá cũng như cuộc sống, mỗi người cần phải có những sai số nhưng cần tuyệt đối trung thành với chính kiến của mình. Ông Muira là một người chưa hoàn hảo nhưng ông biết cách trung thành với chính kiến của mình. Đó là “fair play” của một con người!