Dinh dưỡng thể thao: Từ Việt Nam ra thế giới còn xa

Ngày đăng 19/09/2015 00:08

Video bản quyền thuộc VTV:

Con đường ngắn nhất dẫn đến thành công của một vận động viên (VĐV) chính là tích cực tập luyện. “Càng đổ mồ hôi nhiều trên sân tập, càng mất ít mồ hôi khi thi đấu” – đó là điều nằm lòng với mọi người chơi thể thao.

Tuy nhiên có một yếu tố khác vô cùng quan trọng đó là lấy lại năng lượng mất đi sau một buổi tập vất vả. Và không có cách nào giúp VĐV cải thiện sức khỏe tốt hơn việc có một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học.

Ở Việt Nam, nhiều VĐV lại ít chú ý tới nhu cầu dinh dưỡng của bản thân nên họ rất dễ bị mệt, thậm chí là đặt sức khỏe của bản thân vào tình trạng nguy hiểm. Đa số chỉ ăn uống dựa theo kinh nghiệm chứ không dựa theo một kế hoạch khoa học.

Chế độ ăn không gluten giúp Nole trở thành số 1 thế giới

Trong lĩnh vực dinh dưỡng thể thao, vấn đề không chỉ là nạp năng lượng như thế nào mà còn phải làm sao nạp theo cách hiệu quả nhất. Ở môi trường đỉnh cao, các VĐV không phải cứ thích ăn gì hay ăn vào lúc nào là được.

Novak Djokovic rất mê bánh mỳ, pizza hay mỳ ý. Nhưng 5 năm trở lại đây anh chẳng hề động tay đến những món chứa nhiều tinh bột ấy nữa. Như chính bản thân Nole thừa nhận, chế độ ăn uống “không gluten” giúp anh dần dần chinh phục làng quần vợt thế giới những năm qua.

Nhưng không phải VĐV nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, đặc biệt là ở một nước nơi nền thể thao còn “nghèo” như Việt Nam. Chỉ rất ít những cá nhân may mắn có được một chế độ đặc biệt ưu ái như “Tiểu tiên cá” Ánh Viên hay các ngôi sao bóng đá U19 Việt Nam lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Bên cạnh đó là sự thờ ơ của những người “cầm cân nảy mực” cho thể thao nước nhà. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ quan nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề dinh dưỡng thể thao. Vì vậy đa số các VĐV chỉ còn biết ăn uống dựa theo kinh nghiệm hay tham khảo tài liệu nước ngoài.