Cô đang tạo ấn tượng ở Giải Vô địch boxing và võ cổ truyền 2015 Đấu trường thép - Cúp Let’s Viet 2015 diễn ra cuối mỗi tuần tại Trung tâm Võ thuật Quân khu 7 (TP HCM).
Gia nhập làng boxing trong màu áo lính từ năm 2009 đến nay, với HCB Á vận hội 2014 và HCV SEA Games 2015, Lê Thị Bằng luôn khiến các đối thủ mất tinh thần bằng ánh mắt sắc lẹm, khả năng chịu đòn và những cú đấm sấm sét.
Bén duyên nhanh với nghiệp đấm nhưng sự nghiệp thi đấu của Bằng gặp rất nhiều chông gai. Chịu khó tập luyện, học hỏi nhưng cứ đi thi đấu ở các giải trẻ là Bằng lại bị loại ngay từ vòng đầu. Sự thất vọng này kéo dài 4 năm trời. Lúc ấy, cô thi đấu với mũ, găng đều là đồ cũ mà các thầy xin lại từ Hà Nội, mức thu nhập chưa nổi 1 triệu đồng/tháng.
Lê Thị Bằng (phải) tại Cúp Let’s Viet 2015 đang diễn ra ở TP HCM
Đến khi Bằng khoác áo Quân đội, nhận ra tố chất của cô, HLV Huỳnh Viết Khánh quyết đặt tâm huyết của mình vào viên ngọc thô này. Bằng tiến bộ nhanh không ngờ.
Về lý do đến với nghiệp võ, cô gái 23 tuổi này tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi rất mê truyện tranh của Nhật Bản, đặc biệt là các thế võ của môn judo. Thế là tôi học theo các tư thế trong truyện và tập mỗi ngày. Đến năm lớp 8, có lần cãi nhau với một bạn trai trong lớp, cậu ấy mắng tôi thậm tệ, lại nói đụng chạm đến cả bố mẹ. Tôi tức quá, sử dụng những đòn thế đã tập luyện. Ai dè, do ra tay nặng quá khiến cậu ấy bị gãy tay luôn".
"Đến năm tôi học hết lớp 9, trường cử đi dự tuyển bóng chuyền ở tỉnh nhưng không đạt vì chiều cao khiêm tốn. Tôi cũng không thích bóng chuyền nên trốn sang thi tuyển quyền Anh và được nhận. Sau mấy ngày tập, vì khuôn mặt sưng húp nên tôi không thể giấu bố mẹ nữa. Cuối cùng, bố mẹ cũng đồng ý để tôi theo nghiệp võ”.
Trong đội tuyển, Bằng luôn là người được các HLV đánh giá cao bậc nhất vì thái độ tập luyện đầy máu lửa. Suốt SEA Games 2015, cô luôn tranh thủ tập với các đồng đội nam vào những lúc không thi đấu. Mỗi khi về nhà, cô vẫn thường giúp bố mẹ việc đồng áng (gia đình Bằng làm ruộng ở Hưng Yên).
Được các nữ võ sĩ khác gọi là hoa khôi của boxing Đông Nam Á với mái tóc dài, Bằng cười và giải thích: “Để tóc dài cũng khá khó chịu. Lúc đấu, tóc hay bị bung ra, nhiều lúc che cả mắt. Nhưng biết sao được, tôi cũng như 3 đồng đội nữ trong đội boxing Việt Nam phải giữ vẻ nữ tính chứ?”. Trong khi đó, các võ sĩ mạnh đến từ Thái Lan và Philippines hầu như đều cắt tóc ngắn để tiện thi đấu.
Vẫn đôi mắt kiên nghị, Bằng cho biết về mơ ước của mình: “Tôi đã giành HCB Á vận hội và HCV SEA Games nên mục tiêu tiếp theo sẽ là giành suất dự Olympic. Với một VĐV boxing ở Việt Nam, điều này không hề dễ dàng. Chúng tôi có quá ít giải đấu và cơ hội được cọ xát quốc tế. Những trận đấu ở giải trong nước thì không có đối thủ mạnh, tôi toàn phải thi đấu với đồng đội ở hạng cân cao hơn”.
Vẫn khóc vì “xấu mặt” Trong các môn đối kháng, hẳn không môn nào có thể so với boxing nữ về sự khắc nghiệt. Bất cứ nữ võ sĩ nào khi bắt đầu đội mũ so găng cũng phải chịu những cú đấm của thầy hay các đàn chị đến mức hộc máu mồm hay lệch quai hàm trong quá trình thử khả năng chịu đòn như một quy định bất thành văn. Rồi ngày ngày, họ đều phải giơ mặt ra cho nhau đấm với đủ các mức độ và các kiểu khiến sau mỗi buổi tập, ai cũng bị trầy mặt, rách mắt. Có đến quá nửa nữ võ sĩ phải bỏ cuộc giữa chừng, có khi chỉ sau vài tuần vì “hãi” quá. Lê Thị Bằng thổ lộ sau nhiều năm, cô thi thoảng vẫn bàng hoàng và khóc vì thấy rằng khuôn mặt mình đã bị “biến dạng” một cách khủng khiếp. |