Năm 2013, trong buổi giao lưu trước giải Australia mở rộng, Djokovic khiến tất cả mọi người bất ngờ khi anh nhảy Gangnam Style rất thuần thục. Không những vậy, Nole còn kéo được cả Serena Williams ra sân đấu nhảy cùng. Khỏi phải nói, các khán giả rất phấn khích và liên tục vỗ tay cổ vũ hai tay vợt khi ấy đều là đương kim vô địch của giải. Trước đó, tại Wimbledon 2011, khi ngày thi đấu bị gián đoạn vì trời mưa, Djokovic đã giúp khán giả cảm thấy đỡ nhàm chán bằng cách rủ rê một số nữ đồng nghiệp… diễn hài. Đầu tiên, Djokovic gạ Andrea Petkovic thi lắc vòng, sau đó anh lại mời Victoria Azarenka “luyện” môn uốn dẻo.
Tất nhiên là những màn thi thố này được Djokovic thể hiện với những động tác khiến những ai chứng kiến không thể không cười.
Lần khác, khi được yêu cầu “giả gái” trong một giải đấu mang tính chất “văn nghệ”, Djokovic lại khiến tất cả khán giả có mặt trên sân phì cười khi bắt chước y hệt Serena Williams và Maria Sharapova. Để tạo ra bộ ngực “khủng” như Serena, Djokovic lấy luôn hai chiếc khăn nhét vào áo. Tiếp đó, anh diễn động tác “bơm xe đạp” trước khi giao bóng đặc trưng của Sharapova giống đến nỗi, bản thân “búp bê nước Nga” có mặt trên sân cũng phải bật cười.
Chính Djokovic, khi bộc bạch về khiếu hài hước của mình cũng khẳng định: “Nếu không theo nghiệp tennis, tôi hoàn toàn có khả năng trở thành một danh hài. Tôi luôn thích vui vẻ và muốn mọi người xung quanh cảm nhận được điều đó”.
Những người thích đùa
Không riêng Djokovic, thế giới thể thao từ trước đến nay cũng có rất nhiều người vui tính, thích đùa, thậm chí là khoái chơi khăm người khác theo cách rất riêng. Mỗi người một vẻ, họ thể hiện sự “sáng tạo” của mình vô cùng độc đáo khiến những người bị trêu đùa nếu có tức giận cũng vẫn phải nở nụ cười. Cựu danh thủ bóng đá Paul Gascoigne thời còn thi đấu là một “danh hài” thực sự. Ở bất cứ nơi đâu Gascoigne cũng có thể đùa và bất chấp hậu quả. Khi khoác áo Tottenham Hotspurs, Gascoigne từng bị truất quyền thi đấu vì một lý do lãng xẹt: Nhặt chiếc thẻ đỏ và làm động tác phạt trọng tài chính khi ông này đánh rơi thẻ.
Lúc lên đội tuyển Anh, trong một lần đồng đội Paul Ince thể hiện khả năng leo tường, ngay trước mặt “rừng” ống kính máy ảnh, truyền hình, Gascoigne đã… tụt quần Ince xuống khiến Ince bị một phen quê độ. Thậm chí, trò đùa “đỉnh cao” của Gascoigne là gọi điện thoại cho các đồng đội ở đội tuyển Anh và thông báo huấn luyện viên đội tuyển Anh khi ấy là ông Terry Venables bị tai nạn. Dĩ nhiên, các cầu thủ hốt hoảng gọi điện, tìm đến nhà riêng ông Venables hỏi han trước khi điên ruột vì biết bị Gascoigne cho ăn quả lừa.
Cũng trong làng bóng đá, cựu cầu thủ Robbie Savage của Leicester City từng bị Liên đoàn bóng đá Anh phạt 10.000 bảng và câu lạc bộ chủ quản phạt 2 tuần lương. Nguyên nhân: Trước một trận đấu của Leicester vào năm 2002, Savage đã lén chui vào phòng thay đồ của trọng tài để… “thả bom”. Báo hại ông trọng tài Graham Poll đã suýt ngất vì quá sốc trước trò đùa quỷ quái này.
Là huyền thoại của môn bơi lội, song kình ngư Michael Phelps cũng đồng thời là một “cù nèo vàng”. Bất kể ai, từ đồng đội cho tới huấn luyện viên, Phelps đều tìm cách trêu chọc người đó nếu anh nảy ra một ý tưởng. Không ít đồng đội của Phelps đã mất thời gian tìm quần áo sau các buổi tập trước khi biết thủ phạm giấu đồ là Phelps. Cũng có lúc, Phelps khiến huấn luyện viên Bob Bowman ngỡ ngàng khi gọi điện thông báo, anh không muốn hợp tác với ông nữa. Để cho Bowman suy nghĩ chán chê, Phelps mới gọi lại để “thông báo”: “Hôm nay là ngày Cá tháng tư, tôi chỉ đùa cho vui thôi”.
Đùa như những vận động viên đã kể trên thì cùng lắm cũng bị phạt một khoản tiền và vấn đề chuyên môn của họ không bị ảnh hưởng gì. Nhưng đỉnh cao nhất của các trò đùa (hay là trò lừa) phải kể đến Fred Lorz. Năm 1904, tại Olympic St Louis, ở cuộc thi đấu marathon, vận động viên điền kinh người Mỹ này sau khi xuất phát 14km đã không thi đấu tiếp mà quay trở lại sân vận động Olympic để lấy ô tô và hành lý.
Khi Lorz bước vào sân, ban tổ chức chẳng hiểu tính giờ thế nào mà lại nhầm rằng anh này là người về đích đầu tiên nên đã thông báo bằng loa với khán giả. Biết ban tổ chức nhầm, nhưng Lorz lại không phủ nhận thông tin này ngay lập tức mà nhảy múa, ăn mừng như thật trước sự cổ vũ vô cùng cuồng nhiệt của các khán giả nhà. Tất nhiên, sau đó thì “nhà vô địch” Lorz bị lật tẩy và vận động viên này đã phải trả một cái giá rất đắt. Dù Lorz đã ra sức giải thích màn ăn mừng kia chỉ là “đùa cho vui”, nhưng ban tổ chức lại không phải những người có máu hài hước. Họ nghĩ mình đã bị Lorz mang ra làm trò cười trước bàn dân thiên hạ và án phạt dành cho tay Lorz nọ là cấm thi đấu vĩnh viễn.
Đùa thành thật
Trong màn ăn mừng của các cầu thủ Tây Ban Nha sau khi họ vô địch World Cup 2010, Gerard Pique và Carles Puyol (có thêm sự trợ giúp của Pepe Reina) đã cưỡng ép Cesc Fabregas khoác lên người chiếc áo đấu của Barcelona. Fabregas, khi đó còn đang khoác áo Arsenal, đã phải rất khổ sở đi thanh minh với các đồng đội cũng như ông thầy Arsene Wenger rằng mình không có ý định… đào tẩu. Nhưng cũng chỉ 1 năm sau đó, chẳng cần ai ép buộc, Fabregas đã chính thức chuyển sang khoác áo đội bóng xứ Catalan.