Vợ chồng ông Nguyễn Công Bảy, bà Nguyễn Thị Hoa (xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) sinh được 6 đứa con, Công Phượng áp út. Nhà nghèo, lên 9 tuổi mà Phượng vẫn còi cọc, suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. “Lúc bảy, tám tuổi nó đã mê đá bóng. Người gầy nhẵng như que củi, so với đám bạn nó là đứa thấp bé nhẹ cân nhất. Cho nên có lần đi thi, bị người ta gạt ra rìa vì nhìn nó... mỏng cơm, không có sức!”, ông Bảy, bố Công Phượng nói.
Năng khiếu bóng đá ở Công Phượng bộc lộ rất sớm. “Cái sân bé tí trước nhà, đường xóm, sân kho, cổng trường, đâu cũng thấy nó và mấy đứa con nít trong làng biến thành sân bóng, hò reo ỏm tỏi. Nó đá “dẻo” và đặc biệt có tài tâng bóng bằng chân, có khi tâng được hơn chục phút mà bóng vẫn không rơi xuống đất!”, ông Nguyễn Công Bảy kể. Năm 2004, nghe tin Trung tâm VH-TT huyện Đô Lương chiêu mộ lớp năng khiếu bóng đá nhi đồng, chàng cầu thủ nhí nằng nặc xin mẹ đưa đi. Từ xã Mỹ Sơn lên thị trấn dài 20 cây số. Không có xe máy, bà Nguyễn Thị Hoa lấy xe đạp đèo con lên huyện tìm thầy.
Người thầy đầu tiên của Công Phượng là ông Trương Quang Vinh, biệt danh Vinh “khu đen”, nguyên tiền vệ của SLNA. Nghề đá bóng không đủ nuôi sống vợ con nên sau một thời gian thi đấu, tiền vệ Trương Quang Vinh quyết định treo giày theo bạn bè đi buôn. Tính tình nóng nảy, bộc trực, buôn bán lại gặp xui khiến nợ nần chồng chất, ông Vinh hai bàn tay trắng rời Vinh dắt díu vợ con về Đô Lương. Nghiệp bóng đá cứ vận vào ông, không dứt ra được. Năm 1995 gặp lại ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm CLB bóng đá SLNA, ông Thanh bàn mở một lớp năng khiếu bóng đá nghiệp dư ở huyện nhằm tuyển mộ tài năng bóng đá trẻ tại huyện Đô Lương.“Nó còn trẻ, liệu nó có vượt qua được áp lực dư luận hay không? Nhưng Phượng đã cứng cáp hơn nhiều. Tôi động viên nó thì ít, nó an ủi cha mẹ thì nhiều. Nó bảo, cha mẹ đừng lo, con rất ổn!”.
Ông Nguyễn Công Bảy kể
Vui hết cỡ vì đã toại nguyện, Công Phượng trở về nhà, cậu chạy đi khắp làng khoe với bạn bè. Từ đó, tuần 3 buổi, cậu nhờ mẹ đạp xe chở lên thị trấn Đô Lương luyện tập đá bóng. Chiếc xe đạp cà tàng, bà Nguyễn Thị Hoa lọc cọc đạp xe chở con đi về, bất chấp mưa nắng, giá rét. Bà bỏ cả việc đồng áng, chợ búa, chở con đi... đá bóng. Trong lúc con trai hì hục chạy ngoài sân cỏ, người mẹ đạp xe đi thăm người quen ở thị trấn; hoặc ngồi bên vệ cỏ đợi đến giờ đưa con về.
Đội gió mưa, cha con Tây Nguyên tiến
Xem tivi thấy Học viện bóng đá HAGL tuyển cầu thủ trẻ, Công Phượng đòi bố đưa đi thi. “Cả đời tau biết Gia Lai ở mô mà đưa mi đi!”, ông Nguyễn Công Bảy ngán ngẩm lắc đầu, nghĩ đến đường xa. Nhưng ngó thấy cu cậu suốt ngày ngồi ủ rũ ở góc nhà, thương con, ông Bảy bàn với vợ bán 1 con lợn, 3 tạ lúa, vay mượn thêm hàng xóm được 3 triệu đồng giắt lưng đưa Công Phượng vào Gia Lai “ứng thí”. Một giờ sáng xuất phát rời Đô Lương, hai cha con đội mưa gió lôi thôi lếch thếch xuống Vinh nhưng không đón được xe đi Gia Lai, ông đưa con nhảy đại lên xe đi Đắk Lắk và sau hành trình một ngày vạ vật, cha con ông Bảy vào đến Gia Lai.
Đó là buổi sáng đầy kỷ niệm trong cuộc đời, sự nghiệp của Công Phượng. “Chờ mãi, mưa vẫn không ngớt, cha con tôi bèn đội áo mưa thuê xe ôm hỏi đường đến địa điểm HAGL tổ chức thi tuyển. Sáng hôm ấy có khoảng 400 em dự thi, mỗi lượt 6 em, chia làm 2 đội thi đấu trong vòng 15 phút. HLV ngồi quan sát, thấy em nào có kỹ thuật và thể lực tốt nhất thì ra sân cầm tay dắt vào một khu vực riêng. May mắn là Công Phượng lọt vào tốp 5 cầu thủ được HLV lựa chọn”, ông Bảy kể. Cuối buổi chiều, các cầu thủ nhí vừa lọt qua vòng loại ra sân thi đối kháng. Từng cặp một, đấu “tay bo”, ai ghi vào cầu môn đối phương 3 bàn liên tục coi như thắng cuộc, người kia sẽ bị loại. Với kinh nghiệm dày dạn và kỹ thuật khéo léo của mình, chàng cầu thủ đến từ Nghệ An dễ dàng vượt qua mọi đối thủ.
Trong thời gian chờ đợi thi chung kết vào Học viện bóng đá HAGL, sợ không đủ tiền thuê trọ và tiền ăn hằng ngày cho hai cha con, ông Nguyễn Công Bảy đưa Công Phượng xuống tá túc tại nhà Nguyễn Công Thủy, anh trai Phượng, làm công nhân ở Bình Dương, còn ông Bảy khăn gói về quê đợi tin. Gần 10 ngày sau, ông Bảy lại lò dò tàu xe vào miền Nam, Phượng được anh trai đưa lên Gia Lai. “Ròng rã một tuần lễ, nó luyện tập và thi đấu liên tục suốt từ sáng đến chiều. Quần áo nó không nhiều, chỉ được vài bộ, không có để thay. Cứ tối đến cơm nước xong là tôi lại hì hụi giặt đồ cho con, rồi đỏ lửa quạt than hong cho mau khô, để mai còn có đồ cho nó mặc đi thi đấu. Rõ khổ!”, ông Nguyễn Công Bảy nhớ lại. Có những chiều giữa trời mưa tầm tã, trên sân Công Phượng ướt đầm đìa thi đấu, người cha ngồi bên ngoài sân cỏ trùm kín áo mưa đợi con. Nhìn cậu con trai mảnh khảnh toàn thân dính đầy bùn đất, nước mắt ông cứ ứa ra.
Kết thúc cuộc thi chung kết, cha con ông Bảy hồi hương, thấp thỏm đợi tin. Khoảng một tuần sau, bất ngờ gia đình ông nhận được giấy báo trúng tuyển của Học viện bóng đá HAGL. “Tôi không thể diễn tả được lúc đó Công Phượng nó mừng vui đến thế nào. Cầm giấy báo trong tay, nó ôm chầm lấy bố mẹ. Nó khóc!”, giọng ông lắng lại. Chọn ngày lành tháng tốt, bán thêm 2 con lợn, 2 tạ lúa, ông Bảy rời quê đưa con vào Gia Lai nhập học. “Bán lợn, bán lúa chứ kể cả bán chi đi nữa, bán hết cho con đi đá bóng, cho nó đạt được mơ ước của mình, rau cháo vợ chồng tôi cũng cam lòng!”, bà Nguyễn Thị Hoa nãy giờ ngồi im lặng ở góc nhà, lên tiếng.
Im lặng giữa “tâm bão”
Mỹ Sơn, địa danh huyền thoại, vùng đất đã đi vào sử sách với trận địa Truông Bồn, là một trong hai xã đầu tiên của huyện Đô Lương được phong tặng danh hiệu AHLLVT nhưng đến nay vẫn là một xã nghèo. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Công Minh bảo: “Nghèo thì nghèo, nhưng phong trào TDTT Mỹ Sơn lại đứng top đầu của huyện”.
Ngồi nói chuyện với ông Bảy, bà Hoa, không thể không nhắc đến vụ lùm xùm tuổi tác của Công Phượng. Vợ chồng ông đã trải qua nhiều đêm mất ngủ. Lo lắng cho con trai, ông Bảy thường xuyên gọi điện vào Gia Lai động viên Công Phượng. “Nó còn trẻ, liệu nó có vượt qua được áp lực dư luận hay không? Nhưng Phượng đã cứng cáp hơn nhiều. Tôi động viên nó thì ít, nó an ủi cha mẹ thì nhiều. Nó bảo, cha mẹ đừng lo, con rất ổn!”, ông Nguyễn Công Bảy kể. Dù non nớt về tuổi đời và chưa nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, nhưng những gì mà Công Phượng thể hiện trong nghi án tuổi tác vừa rồi là rất bản lĩnh, có văn hóa, “Nhạc trưởng” U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng biết lựa chọn giải pháp “vàng”: im lặng!
“Mỗi tuần đều đặn 3 buổi tập, mỗi buổi tập mẹ con bà Hoa phải đi về 40 km bằng xe đạp. Hơn 2 năm đạp xe từ nhà đến huyện, từ huyện về nhà, bà Hoa đã đèo con vượt qua quãng đường hơn 1 vạn cây số, chỉ để cho Công Phượng thỏa đam mê được... đá bóng!”.