Bóng đá Việt Nam như 'củ khoai tây cắm que tăm'

Ngày đăng 26/06/2015 08:39

Không rõ là sự so sánh này có quá lời không nhưng thực sự là hình ảnh ấy có thể khắc họa được thực trạng của BĐVN.

Nếu coi V-League là giải đấu đỉnh cao thì nó đang đứng trên một đôi chân quá teo tóp: Giải hạng Nhất chỉ có 8 đội. Mùa này đã là năm thứ ba liên tiếp chỉ có ngần ấy đội tham dự.

Bóng đá hay thể thao nói chung phát triển theo hình kim tự tháp, càng ở dưới càng rộng lớn và càng lên trên càng nhỏ lại. Nhưng giải hạng Ba năm ngoái chỉ có 6 CLB, giải hạng Nhì là 14, hạng Nhất là 8 và V-League năm nay là 14.

Nếu phóng khoáng suy tưởng, thì cấu trúc đó khiến hệ thống các giải VĐQG của Việt Nam nhìn từ trên xuống dưới giống thân hình của một người phụ nữ mà V-League là vòng 1 còn giải hạng Ba là chân.

Lỗi không chỉ của VFF...

Nhưng sự quyến rũ của bóng khác với hấp lực của một phụ nữ. Hơn mười năm trước, chương trình Tầm nhìn châu Á (Asia Vision) của AFC khi tới với Việt Nam ngoài việc khai sáng cho VFF về vai trò của truyền thông và người hâm mộ, hay mô hình tổ chức của một CLB bóng đá chuyên nghiệp cũng như cơ cấu tổ chức của mỗi Liên đoàn đều được phân cấp rõ rệt giữa quản lý với điều hành, thì nó còn giới thiệu về cấu trúc của một hệ thống giải VĐQG.

Cũng chẳng cần phải lục tìm những mô hình của AFC vì nó cũng tương tự như bất cứ một nền bóng đá từ ở trình độ bình thường cho tới mức đã phát triển hàng đầu thế giới.

Thái Lan có 18 CLB chơi ở giải Premier League còn giải hạng Nhất có 20 CLB còn ở giải thấp hơn thì có 83 CLB được chia ra làm 6 vùng.

Xin lỗi là nếu ai đó đã chán ngấy việc so sánh với Thái Lan thì chúng ta hãy tham khảo một số cấu trúc của các nền bóng đá phát triển ở châu Âu: Ngoại hạng Anh có 20 CLB thì ở ba hạng thấp hơn đều có 24 CLB. Bóng đá Đức có vẻ mẫu mực hơn với 18 CLB ở Bundesliga và hạng Nhất, rồi hạng Nhì có 20 CLB và ở cấp thấp hơn có cả thảy 88 CLB chia làm 5 khu vực. Với một nền bóng đá như Tây Ban Nha, quốc gia thành công nhất thế giới trong khoảng chục năm qua thì cấu trúc của nó là 20-22-80 (chia làm 4 nhóm).

Nếu chúng ta cho rằng việc duy trì được 14 CLB tham dự V-League là sự khéo léo của những người điều hành nền bóng đá Việt Nam thì mặt trái của việc giải hạng Nhất chỉ có 8 CLB là không thể tạo ra được tính cạnh tranh từ việc có từ 2-3 đội lên-xuống hạng mỗi mùa.

... mà còn là vấn đề của các CLB

Tất nhiên là lỗi không chỉ từ phía Liên đoàn qua nhiều nhiệm kỳ mà nó là vấn đề của các CLB.

Ở một nền bóng đá phát triển thì tham dự đội hạng Nhất nhiều khi là chính đội trẻ hay đội B của CLB đang chơi ở giải Ngoại hạng chứ không chỉ là những CLB độc lập có tham vọng lên hạng mà chưa đủ khả năng.

Nhưng khi một đội bóng như HAGL còn bỏ tới hai giải trẻ là U19 và U17 thì thật khó để có thể chờ đợi họ có một đội HAGL B chơi ở giải hạng Nhất trong nhiều năm nữa.

Có hai rào cản khiến cho các CLB không tập trung vào phát triển hệ thống đào tạo trẻ, thứ nhất là tài chính và thứ hai là chính tâm lý "ăn xổi" của các ông bầu.

Chẳng hạn, việc Giám đốc điều hành của các CLB đi họp ở VFF luôn kêu rằng các cầu thủ trẻ của họ thiếu trận đấu nhưng khi VFF mới đây lên tiếng cho tổ chức một số giải trẻ chơi theo thể thức lượt đi lượt về thì nhiều CLB lại kêu là quá tốn kém.

Hay như Ninh Bình sau nhiều năm làm bóng đá chỉ có đội 1 bằng cách sẵn sàng bung ra để ký hợp đồng với các cầu thủ tên tuổi thì đến khi chuẩn bị giải tán mới bắt đầu có tương đối đủ các lứa trẻ.

Với cấu trúc như thế, liệu cái đỉnh của đỉnh là các đội tuyển quốc gia có thể ngoi lên khỏi mặt nước khu vực để vươn ra châu lục trong khi HLV lại là những người vô danh?