Kiatisak tung hỏa mù cho tuyển U.23 Việt Nam 'tưởng bở'
SEA Games 28: 5 mục tiêu vô địch mà vàng chỉ có một
Tất cả cho đam mê
Từ cách đây 3-4 năm, Nguyễn Thị Ánh Viên đã được coi là “báu vật” của Thể thao Việt Nam (TTVN) nói chung và môn bơi nói riêng. Cứ đến mỗi kỳ đại hội, từ giải học sinh cho đến SEA Games, ASIAD, Olympic, cô gái năm nay 18 tuổi lại được nhắc tới như niềm hy vọng số 1 có thể mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Ba tấm HCV SEA Games 2013 (200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp) và 2 HCĐ ASIAD 2014 (200m ngửa, 400m hỗn hợp) là những minh chứng gần nhất, sống động nhất.
“Kình ngư” Ánh Viên được kỳ vọng giành khoảng 6 HCV. Ảnh: Hiền Anh
Nhìn vào bộ sưu tập thành tích như thế, ít ai biết vận động viên quê Cần Thơ này đã phải hy sinh nhiều như thế nào để theo đuổi niềm đam mê. Ở cái tuổi mà bạn bè cùng lứa tha hồ vui chơi, vô lo vô nghĩ thì Ánh Viên đã phải đối mặt với một chu trình khắc nghiệt từ miếng ăn, giấc ngủ; được huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài chỉnh sửa từng động tác kỹ thuật nhỏ nhất trên đường bơi.
Trao đổi với NTNN sáng 18.5, ông Đinh Việt Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam bày tỏ: “Đời vận động viên chuyên nghiệp là vậy, Ánh Viên là một tài năng đặc biệt nên càng phải chấp nhận hy sinh vì niềm đam mê.
Thành tích của Ánh Viên tại các giải bơi lội ở Mỹ hiện rất ổn định (Ánh Viên đoạt HCĐ 400m hỗn hợp giải Arena Pro Swim Series với thành tích 4 phút 42 giây 60, kém thành tích của chính chị ở ASIAD 2014 (4 phút 39 giây 65) nhưng vượt xa thành tích giành HCV tại SEA Games 2013 (4 phút 46 giây 16) - PV). Chúng tôi tin Ánh Viên có thể bảo vệ thành công 3 HCV SEA Games và tranh chấp HCV ở các nội dung 400m, 800m tự do…”.
Xứng danh “mỏ vàng”
Như vậy, Ánh Viên đã gánh nhiệm vụ giành khoảng 2/3 số HCV cho bơi Việt Nam tại SEA Games. Và thời điểm này, tình hình sức khỏe của Viên được quan tâm đặc biệt. Ai cũng hiểu, Viên chỉ hắt hơi sổ mũi một chút thì thành tích của cả đoàn TTVN cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Cách đây chưa lâu, Ban tổ chức nước chủ nhà đã đưa ra quy định mới, thi đấu liền mạch các nội dung chung kết rồi mới trao huy chương. Điều này khiến các VĐV chủ lực như Ánh Viên không có thời gian nghỉ ngơi và khó đạt thành tích cao nhất.
Tuy nhiên, sau khi nghe phản ánh từ các nước, Singapore đã sửa lại theo đúng điều lệ quốc tế. Nghĩa là sau khi thi đấu sau 2 nội dung chung kết sẽ trao huy chương rồi mới thi đấu tiếp 2 nội dung chung kết khác…” - ông Hùng khẳng định.
Trong số 8 VĐV dự SEA Games, ngoài Ánh Viên, hy vọng có HCV cũng đặt vào những gương mặt từng tỏa sáng ở SEA Games 2013 như Hoàng Quý Phước (HCV 200m tự do nam), Lâm Quang Nhật (HCV 1.500m nam). Riêng “kình ngư” Trần Duy Khôi dù chưa có HCV SEA Games 2013 nhưng anh được kỳ vọng sẽ tỏa sáng ở Singapore cự ly 200, 400m hỗn hợp.
Ông Đinh Việt Hùng lạc quan: “Để chuẩn bị cho SEA Games, ngoài Ánh Viên tập huấn dài hạn ở Mỹ, Quý Phước cũng đi Nhật Bản, Quang Nhật và Duy Khôi tập huấn Trung Quốc. Tình hình tập luyện, thông số của các VĐV đều đang tiến triển tốt. Mục tiêu 10 HCV là rất khó khăn khi chủ nhà Singapore luôn là số 1 khu vực lại có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Các VĐV Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng rất mạnh. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị của mình, chúng tôi tin tưởng sẽ thành công”.
Theo kế hoạch, ngày 2.6, các vận động viên đội bơi sẽ về nước và sáng 3.6 sẽ bay sang Singapore. Ánh Viên và các đồng đội sẽ có 2 ngày làm quen điều kiện thời tiết, bể bơi… ở đảo quốc sư tử trước khi bước vào tranh tài ngày 6.6.