Tự trói buộc mình…
Sau thời gian dài áp dụng việc phân lọai 3 hạng, gồm giải Vô địch các Đội mạnh toàn quốc thì ở phía sau, LĐBCVN từng có thêm hai hạng là giải hạng A1 và hạng A2 (gồm các đội xếp cuối từng bảng ở giải A1 năm trước và các đội vô địch các tỉnh, thành, ngành năm sau).
Tuy nhiên, kể từ nhiệm kỳ V của LĐBCVN (2009-2013), do các đội thi đấu giải A2 quá ít nên hệ thống thi đấu của BCVN chỉ còn hai hạng, gồm giải VĐQG PV Oil và giải hạng A toàn quốc hàng năm.
Chưa bàn đến việc tổ chức giải VĐQG PV Oil với những mặt được cùng những khiếm khuyết song hành, với các giải hạng… thấp, hiện sự cải tiến vẫn chưa đáng kể.
Bên cạnh sự thay đổi việc phân bổ số lượng đội ở các bảng, vòng đấu cho phù hợp, tránh lãng phí thời gian, tiền của và công sức của các đội hạng này, thì việc quy định “Kể từ năm 2010, các đội thi đấu giải hạng A không được đăng ký thi đấu trùng tên với đội thi đấu tại giài VĐQG”, đã gây khó không ít cho nhiều địa phương, đơn vị.
Bởi dường như chính điều này đã làm cho cơ hội thi đấu cọ xát của các VĐV trẻ sẽ bị teo tóp hơn. Nếu như ở các mùa giải trước, giải hạng A toàn quốc vẫn xuất hiện những cái tên của các đội trẻ QK9, Long An, Sao Vàng Biên phòng, Tràng An Ninh Bình (nam), Long An, Thông tin, PKKQ, NHTMCP Công thương VN (nữ), thì gần đây nó đã biến mất. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, số VĐV trẻ của các đội đã có “bài” khác để đối phó: thi đấu dưới tên của một địa phương khác.
Cơ hội thi đấu cọ xát của các VĐV trẻ sẽ bị teo tóp?
Hay nếu xét về “danh chính ngôn thuận”, đội Trẻ Khánh Hòa dự giải hạng A mang tên Sana, dù đó cũng là một “công ty con” của “công ty mẹ” đang trực tiếp quản lý đội Sanest Khánh Hòa, hoặc đội Trường Năng khiếu TDTT Vĩnh Long nghiểm nhiên được dự giải bởi tên gọi chẳng liên quan đến đội nam XSKT Vĩnh Long tuy cả hai đều do Sở VH, TT và DL địa phương này quản lý.
Tương tự, ở giải năm 2014, ai cũng rõ mười mươi Trẻ nữ TPHCM – thực chất là Trẻ Tân Bình vừa giành vị trí thứ 4 chung cuộc giải Vô địch Trẻ toàn quốc (tháng 6, tại Đắk Lắk), lại có cùng đơn vị chủ quản với “đội 1” đang thi đấu giải VĐQG PV Oil 2014.
Đó là chưa kể có thời gian Trẻ nữ Thông tin Liên Việt Postbank thi đấu dưới sắc áo của Đakruco Đắk Lắk, hay Trẻ nam QK9 chơi lần lượt cho Tây Ninh rồi đến Cà Mau. Và giá như hai đội nam, nữ Năng khiếu TDTT Long An có tiếp tục dự giải, họ vẫn không thể bị “bắt giò” vì đâu dính gì đến hai đội “lớn” là nam Long An hay nữ VTV Bình Điền?.
Rõ ràng đây là một nhu cầu có thật, dù kể từ năm 2010, LĐBCVN đã có kế hoạch tổ chức đến 2 giải Trẻ: một dành cho các tất cả các tỉnh, thành và một dành cho 24 CLB dự giải VĐQG.
Và thực tế đã cho thấy, số cầu thủ vừa vượt ngưỡng lứa tuổi trẻ (nam từ 20, nữ từ 19 trở lên) thuộc những lò đào tạo ở các CLB nhưng chưa đủ trình độ chuyên môn thi đấu giải VĐQG PV Oil và số thuộc đội trẻ ở các địa phương rất muốn có thêm nhiều cơ hội để ra sân tại giải hạng A.
Chưa hết, một số năm gần đây, điều lệ giải hạng A toàn quốc đã quy định: “Mỗi địa phương, ngành không được đăng ký 2 đội (do cùng một địa phương, đơn vị quản lý) trong cùng 1 hạng”. Thế nhưng điều khôi hài ở chỗ, tuy khác địa phương nhưng hàng lọat đội bóng cùng do ngành Công an đầu tư kinh phí để xây dựng lực lượng, như Công an TPHCM, Công an Hải Dương, Công an Quảng Bình đều dự giải hạng A nhưng chẳng hề bị “tuýt còi”.
Tương tự là trường hợp các đội bóng áo lính như Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 đều góp mặt ở giải hạng A năm 2013 và hiện tượng đó vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác.