Khi cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2022 bắt đầu hai năm về trước, Bắc Kinh được xem như ứng viên “đứng ngoài”, bởi không ai tin rằng, một thành phố có khí hậu lục địa ẩm chịu ảnh hưởng của gió mùa, khá khô hạn với đặc trưng là mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh khô, lại có thể tổ chức Thế vận hội mùa đông.
Tuy nhiên, sau khi một loạt các ứng viên nặng ký ở châu Âu, bao gồm Krakow (Ba Lan), Oslo (Na Uy) và Stockholm (Thụy Điển) rút lui, với lý do thiếu nguồn nhân lực và những lo ngại về chi phí khổng lồ mà nước chủ nhà phải “gánh”, cuộc đua chỉ còn lại chỉ là hai ứng cử viên: Bắc Kinh và Almaty.
Almaty tự hào là thủ đô thương mại của Kazakhstan, khu vực dự trữ dầu mỏ lớn nhất nước, được bao quanh bởi đồi núi và có tuyết rơi tự nhiên, song vẫn thất bại trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 bởi đất nước chưa từng tổ chức một sự kiện thể thao lớn toàn cầu. Trong khi đó, Bắc Kinh được xem là sự lựa chọn an toàn khi đã tổ chức rất thành công Thế vận hội mùa hè 2008. Chỉ với lý do này, Bắc Kinh đã đánh bại Almaty với số phiếu sít sao lần lượt là 44 và 40.
Do Bắc Kinh là khu vực không có đồi núi, nên Thế vận hội sẽ diễn ra cả ở vùng núi Yanqing - cách Bắc Kinh 55 dặm và thành phố Trương Gia Khẩu, cách Bắc Kinh khoảng 100 dặm, cho những môn thi cần vùng núi có tuyết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tuyết ở đâu? Phía Bắc Kinh cũng không giấu giếm gì khi cho biết họ sẽ dựa vào tuyết nhân tạo để phục vụ cho các sự kiện thi đấu. Điều này được đánh giá là điểm yếu chính trong chiến dịch vận động của Bắc Kinh, và phái đoàn Almaty đã tận dụng điều đó để nêu bật chiến dịch đăng cai của họ với khẩu hiệu “Giữ sự chân thật”.
Thậm chí, IOC đã nhận xét rằng: “Do thiếu tuyết tự nhiên nên các địa điểm tổ chức không có tính thẩm mỹ”. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định, một kế hoạch chi tiết để tạo ra lượng tuyết khổng lồ ở các con núi xung quanh thành phố sẽ được tiến hành. Cùng với việc cam kết sử dụng nhiều địa điểm đã dùng trong khai mạc và bế mạc Olympic 2008 như sân vận động Tổ Chim và Trung tâm thể thao dưới nước Water Cube, cũng như xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền thủ đô và Trương Gia Khẩu, giảm thời gian đi lại chỉ vỏn vẹn trong vòng 50 phút, Bắc Kinh đã thuyết phục được các thành viên IOC.
Truyền thông thế giới gọi sự kiện này là chiến thắng của những “bông tuyết giả”. Và điều này không ngạc nhiên, bởi từ lâu Trung Quốc đã nổi tiếng là thiên đường của hàng “fake”.