Tại giải VĐQG 2015 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Ánh Viên là gương mặt nổi bật nhất khi giành tới 16 HCV, 4 HCB. Một so sánh cho thấy mức độ “khủng” của Ánh Viên là chỉ mình cô đã vượt qua cả số HCV của đoàn TPHCM (14 HCV). Thành tích của Ánh Viên đã giúp đoàn Quân đội giành vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương.
Bất chấp kết quả trên, đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về việc Ánh Viên đang tỏ ra quá tải khi phải tham dự liên tiếp các giải đấu trong và ngoài nước chỉ 3 tháng vừa qua. Nếu tính chính xác thì sau giải VĐTG diễn ra tại Nga hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, trong 40 ngày Ánh Viên đã tham dự 4 giải đấu với hàng chục nội dung thi đấu.
Cụ thể sau giải VĐTG ở Kazan (Nga), Ánh Viên tiếp tục tham dự chặng 1 World cup bơi lội 2015 ở Moscow và 3 ngày sau đó là chặng 2 diễn ra tại Paris (Pháp). Từ ngày 1 đến 4/10, Ánh Viên thi đấu tại giải Vô địch bơi lội các nhóm tuổi trẻ châu Á ở Thái Lan. Dù đoạt 7 HCV nhưng từ giải đấu này, các thông số chuyên môn của Ánh Viên bắt đầu rớt, ở ngay cả các cự li sở trường. Điển hình như ở cự li 200m hỗn hợp cá nhân, thành tích của Ánh Viên chỉ là 2 phút 15 giây 77, cách xa so với thông số 2 phút 12 giây 33 của chính cô thiết lập tại Moscow.
Ngày 7/10, tức chỉ 3 ngày sau khi kết thúc giải đấu tại Thái Lan, Ánh Viên sang Hàn Quốc tham dự Đại hội thể thao quân sự thế giới và sau đó quay về Đà Nẵng dự giải VĐQG 2015.
Như kể trên, ở giải VĐQG 2015, dù đoạt tới 16 HCV nhưng giới chuyên môn không khỏi lo lắng khi các thông số chuyên môn của Ánh Viên đã giảm mạnh. Ở 2 nội dung 50m bơi bướm và 50m tự do, Ánh Viên để kình ngư 14 tuổi Nguyễn Diệp Phương Trâm vượt qua. Nội dung 50m ngửa, cô để thua Ngô Thị Ngọc Quỳnh. Nếu 3 cự li trên không phải sở trường của Ánh Viên thì sự sụt giảm thành tích của cô ở các cự li mạnh còn lại thực sự đáng lo ngại.
Ở cự li 200m hỗn hợp, thành tích của Ánh Viên là 2 phút 17 giây 00, đã tăng lên so với 2 phút 15 giây 77 tại Thái Lan. Cự li 200m ngửa, thành tích của Ánh Viên là 1 phút 17 giây 15, thấp hơn so với thông số 2 phút 12 giây 25, thành tích giúp Ánh Viên đoạt HCĐ ASIAD 2014. Tương tự, các cự li 400m hỗn hợp và 400m tự do của Ánh Viên ở giải VĐQG 2015 cũng giảm so với thành tích tốt nhất của cô trước đó.
Loay hoay tìm phương án
Dù HLV Đặng Anh Tuấn tự tin cho biết, Ánh Viên đang trong chu kỳ huấn luyện, va việc thông số chuyên môn của cô sụt giảm là chuyện bình thường nhưng giới chuyên môn vẫn không khỏi lo lắng. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Tổng cục TDTT cũng quan ngại bởi sắp tới, giải đấu quan trọng nhất của Ánh Viên là Olympic Brazil 2016. Tuy nhiên, cái khó của ngành thể thao hiện nay là Ánh Viên suốt thời gian qua được giao hoàn toàn cho HLV Đặng Anh Tuấn phụ trách tập huấn, thi đấu, và thành tích của cô ở SEA Games 28 lại quá tốt.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho hay, việc một VĐV đẳng cấp đã vươn ra khỏi khu vực như Ánh Viên phải tham dự giải VĐQG với các đối thủ thấp hơn là tình trạng chung ở các bộ môn. Ông Phấn lấy ví dụ như các trường hợp của Thạch Kim Tuấn (Cử tạ), Quách Thị Lan (điền kinh)…đều phải tham dự các giải đấu trong nước để lấy thành tích cho địa phương.
“Chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng bất hợp lý này, và hiện đang chỉ đạo nghiên cứu phương án giải quyết. Không thể cứ để VĐV đẳng cấp đã qua tầm quốc gia đi cạnh tranh với các VĐV trong nước, vì không đem lại hiệu quả nào về chuyên môn”-ông Trần Đức Phấn cho biết.
Tại giải VĐQG 2015, VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm đã gây tiếng vang lớn khi đánh bại Ánh Viên ở hai cự li 50m bướm và 50m tự do. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, ngành đang lên kế hoạch đầu tư cho Phương Trâm. Theo ông Phấn, thời gian qua, Phương Trâm và đơn vị chủ quản TPHCM xảy ra mâu thuẫn, nên trước mắt cần giải quyết dứt điểm để VĐV có thể được đầu tư thích đáng.