Champions League mùa giải 2013-2014, anh sút hỏng phạt đền khiến Arsenal thua Bayern Munich và sau đó bị loại khỏi Champions League. Hơn một năm sau, anh ghi bàn ấn định 2-0 vào lưới của chính Manuel Neuer, qua đó giúp đội nhà trở lại cuộc đua tranh tại Champions League. Anh là Mesut Ozil - người hồi sinh từ chính cái nơi đã đánh gục anh xuống tận cùng của thất vọng.
Hai năm trước, mức giá 65,5 triệu đôla không chỉ biến Ozil thành người đắt giá nhất lịch sử CLB, mà còn gián tiếp trao cho anh sứ mệnh của một đấng cứu thế tại Arsenal. Nhưng giữa muôn vàn ánh đèn truyền thông và áp lực, Ozil không còn là chính mình. Trong thất bại kể trên của Arsenal, cái tên Ozil luôn được xướng lên như một kẻ phải chịu trách nhiệm chính. Rồi chấn thương đẩy tiền vệ tài hoa từng được ví như "nhạc công thành Bremen" ngày nào xa sân cỏ, và có lúc ngỡ như chìm vào lãng quên. Hai năm liên tục, các cuộc bình chọn của FIFA không còn thấy tên anh.
Điều tréo ngoe là những con số thống kê chỉ ra rằng Ozil thi đấu không hề tệ như những lời chỉ trích nhắm vào anh. Mùa giải đầu tiên, Ozil ghi bảy bàn, kiến tạo 15 bàn trong 39 trận. Cho đến hiện tại, anh đã có tổng cộng 14 bàn, tạo ra 29 đường kiến tạo trong 82 trận. Ozil cũng là một trong những cầu thủ chạy nhiều nhất và chuyền nhiều nhất trên sân. Đó là những con số của một cầu thủ xuất sắc, nhưng nó vẫn không làm hài lòng tất cả, vì một vấn đề thuộc về tâm lý của người hâm mộ. Ozil được mang về Emirates là để thành siêu sao - siêu cầu thủ, chứ không chỉ là ngôi sao.
"Ozil không phải để bán! Perez, ông nghe rõ không, Ozil không phải để bán", đó là những gì mà nhiều CĐV Madrid hét lên trong lễ ra mắt của Gareth Bale tại Bernabeu. Sau này trong một lần phỏng vấn, Ozil kể: "Ba năm ở Bernabeu, chưa bao giờ họ gọi tên tôi như họ đã gọi người mới đến Isco". Sự ngậm ngùi đó trở nên trêu ngươi khi lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng các CĐV Real có thể gọi tên Ozil trên khắp khán đài lại là ngày họ biết Real đã bán anh.
Ngày anh rời Real, Sergio Ramos đăng lên tài khoản Twitter bức hình chiếc áo số 10 của ngôi sao người Đức, và viết "Cảm thấy xấu hổ". Còn Cesc Farbergas, khi ấy còn khoác áo kình địch Barcelona, đã bày tỏ sự ngạc nhiên: "Ở Real Madrid, sau Ronaldo, người quan trọng thứ hai phải là Ozil".
Bàn thắng ấy đưa Ozil bước ra chào thế giới. Lúc đó tất cả đã biết rằng, anh sẽ là ngôi sao của tương lai. Tháng 8/2010, anh đến với Real bằng một cái giá quá rẻ so với tài năng, và những đóng góp sau đó mà anh đưa đến cho "Los Blancos". Chỉ với 17 triệu đôla, HLV Jose Mourinho có được người dẫn dắt lối chơi của ông ở Madrid. Tháng 8/2013, anh đi, để lại 159 trận đấu, 27 bàn và 67 pha kiến tạo thành bàn trong ba năm ở Madrid, chưa kể hàng tá cơ hội khác bị đồng đội bỏ lỡ. Những con số đủ đưa anh trở thành tiền vệ làm bóng hay nhất thế giới.
Giữa cơn mưa chỉ trích trút xuống Real ngày bán Ozil, tất cả đều quên đi một điều quan trọng - con người hiền lành và cần mẫn ấy rất yếu tâm lý ở những thời khắc quan trọng. Ba năm tại Bernabeu, Mourinho, với tính cách mạnh mẽ, không để học trò cưng của ông vướng vào những thử thách tâm lý. Ông đã bọc chàng trai ấy bằng những sự bảo vệ tốt nhất. Đồng đội Cristiano Ronaldo thì giống như cục nam châm, hút hết sự chú ý từ dư luận. Để rồi, tất cả sự yếu đuối của Ozil được thể hiện từ ngày qua đất Anh. Với vị thế ngôi sao, anh ngã xuống và chỉ hồi sinh khi ngỡ như đã bị tất cả lãng quên và Arsenal có một ngôi sao mới - Alexis Sanchez - xuất hiện. Ozil vì thế cứ như người đi trong mộng.
Lối đá của Ozil cũng là lối đá của mộng, nó đẹp, và nó man mác cái chất xa xăm của một thời đã qua - thời bóng đá của các "số 10 cổ điển". Đó là giai đoạn mà các cầu thủ hộ công như Ozil luôn biết cách gieo niềm vui cho người hâm mộ qua những pha đảo bóng, những đường chuyền gây sửng sốt.
Khi Ozil hạ gục Manuel Neuer, một vòng tròn hồi sinh như quay trở lại. Nếu hơn một năm về trước, anh là người thất bại, thì hai năm sau anh là người Đức chiến thắng. Chiến thắng của kẻ đi trong mộng, đi lên, ngã xuống, rồi lại đi lên - thăng hoa, héo tàn rồi nở rực rỡ.