Thông báo của VPF cho hay, chuyến đi nhằm mục đích nghiên cứu về tổ chức, quản lý và điều hành bóng đá chuyên nghiệp tại Hàn Quốc. Trong thời gian gần một tuần lễ tại đây, phía VPF sẽ làm việc với LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) để tìm hiểu về bộ máy tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp. Phái đoàn VPF đồng thời được bố trí làm việc với 2 CLB ở giải VĐQG Hàn Quốc, trong đó có CLB Jeonbuk Huyndai.
Theo TGĐ VPF Cao Văn Chóng, đây là một trong những CLB tốp đầu của Hàn Quốc, từng đoạt chức vô địch quốc gia và cúp C1 châu Á. Trong khuôn khổ vòng bảng cúp C1 châu Á 2014, CLB B.Bình Dương nơi ông Cao Văn Chóng làm việc trước đây đã đấu với Jeonbuk Huyndai 2 lần, và thua cả 2. VPF dự tính sẽ làm việc với CLB này để tìm hiểu cấu trúc bộ máy, tài trợ, truyền thông, mối quan hệ giữa đội bóng với chính quyền địa phương và công tác đào tạo trẻ.
Theo Phó chủ tịch HĐQT VPF Phạm Ngọc Viễn, khâu đào tạo trẻ của các đội bóng ở Hàn Quốc sẽ là một trong những nội dung được VPF đặc biệt nghiên cứu, bên cạnh vấn đề quản lý, tổ chức và điều hành các giải chuyên nghiệp.
“Trong thời gian vừa qua do hiệu ứng của lứa U19 năm 2014, các CLB hiện đang dần quan tâm hơn tới công tác đào tạo trẻ. Thực tế những năm gần đây chúng ta có khá nhiều lò đào tạo trẻ được đầu tư tốt như HA.GL, PVF, Viettel hay Hà Nội T&T, SLNA…Bóng đá trẻ Việt Nam năm vừa qua cũng đạt nhiều thành tích khả quan, từ lứa U16 đến U19, U23. Tuy nhiên để khâu đào tạo trẻ đem lại hiệu quả tốt hơn thì chúng ta cần thêm kinh nghiệm từ các nước đi trước”-ông Phạm Ngọc Viễn cho biết.
Đẽo cày giữa đường?
Nhiệm kỳ VII LĐBĐVN (VFF) từng lên kế hoạch học tập kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản. Thực tế trong thời gian qua VFF và phía Nhật Bản đã thiết lập quan hệ hợp tác, hỗ trợ trên rất nhiều mặt. Vì vậy đã có những ý kiến đặt vấn đề liệu VPF có lan man, “đẽo cày giữa đường” hay không khi nay lại tiếp tục nghiên cứu mô hình bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Viễn cho rằng việc tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau “chỉ có lợi chứ không hại”. Theo ông Viễn, VPF sẽ cân nhắc để áp dụng kinh nghiệm của các nước, phù hợp với điều kiện của bóng đá Việt Nam.
“Quá trình hợp tác với Nhật Bản vừa qua đã giúp chúng ta cải thiện được nhiều khâu trong tổ chức, quản lý và điều hành các giải chuyên nghiệp. Đây là thực tế cần ghi nhận. Còn những điểm nào khiếm khuyết thì chúng ta sẽ tháo gỡ dần, không thể đòi hỏi mọi thứ tốt ngay”-ông Viễn nói.
“Hội nghị Diên Hồng” chưa xong khâu chuẩn bị
Trả lời Tiền Phong hôm qua, TTK VFF Lê Hoài Anh cho hay, hiện chưa có kế hoạch cụ thể thời gian diễn ra hội nghị, thành phần khách mời, hướng triển khai sau hội nghị.... Tổng cục TDTT khởi xướng và dự kiến sẽ đóng vai chủ trì hội nghị. Phía VFF được yêu cầu chuẩn bị các văn bản cần thiết trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến.
Dư luận về hội nghị này của Tổng cục TDTT thời gian vừa qua cũng có nhiều ý kiến trái ngược. Một số mong muốn việc tổ chức hội nghị sớm được tổ chức, qua đó xác định hướng đi cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, khá nhiều quan điểm khác cho rằng, hội nghị sẽ không đạt hiệu quả thiết thực nếu khâu triển khai sau đó không được tổ chức, thực hiện đúng kế hoạch.
Một quan chức Tổng cục TDTT hôm qua cho biết, việc Tổng cục đứng ra chủ trì thực chất một phần xuất phát từ việc có nhiều thông tin vừa qua cho thấy nội bộ lãnh đạo VFF đang thiếu sự đoàn kết. Trong khi đó, Liên đoàn vẫn phải giữ “vai chính” đối với nhiệm vụ phát triển bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT chỉ chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước.