Ở ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), dù đặt chỉ tiêu khá cao nhưng rốt cuộc, Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCV của võ sĩ karatedo Lê Bích Phương. Hướng tới ASIAD 17, mục tiêu đoạt 2-3 HCV của Việt Nam được nhận định là vừa sức hơn với nhiều VĐV được kỳ vọng cao như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)…
Đây đều là những VĐV đã đạt nhiều thành tích ở các cấp độ khác nhau từ châu lục tới thế giới. Trong số này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng đoạt HCV giải thế giới tổ chức tại Mỹ.
Ánh Viên cách đây chưa lâu vừa giành HCV ở giải Olympic trẻ thế giới diễn ra ở Trung Quốc hay Phan Thị Hà Thanh từng đoạt nhiều danh hiệu vô địch khác nhau.
Tuy nhiên, bước vào ASIAD 17, các VĐV kể trên đều không giành được HCV ở các nội dung tham gia. Đáng tiếc nhất là trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi anh thi đấu không thành công ở toàn bộ các nội dung tham dự.
Ở nội dung 25m súng ngắn ổ quay sở trường, Xuân Vinh cũng không giữ được phong độ khi rơi ra ngoài nhóm có huy chương. Áp lực tâm lý được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc xạ thủ quân đội thi đấu không thành công.
Chiếc HCV duy nhất của đoàn TTVN tính đến thời điểm hiện tại lại là của VĐV Wushu Dương Thúy Vi. Ở nội dung kiếm thuật nữ, bài biểu diễn của Thúy Vi đã được chấm 9,71 điểm, cao nhất trong số các VĐV tranh tài.
Với việc chỉ có 1 HCV, dù vượt trội hơn hẳn về số HCB và HCĐ nhưng trên bảng xếp hạng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 6, dưới cả Myanmar.
Cụ thể, 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á gồm: Thái Lan (9 HCV, 6 HCB, 23 HCĐ), Singapore (5 HCV, 6 HCB, 11 HCĐ), Malaysia (4 HCV, 14 HCB, 10 HCĐ), Indonesia (3 HCV, 5 HCB, 9 HCĐ) và Myanmar (2 HCV, 1 HCB).
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), về cơ bản Việt Nam hiện rất ít có khả năng đoạt thêm được HCV do đã hết các nội dung thế mạnh. Ông Minh dùng từ “kỳ vọng” nhưng không chắc chắn đối với võ sĩ Nguyễn Hoàng Ngân và một vài nội dung khác ở các môn võ.
Nhưng chấp nhận được
Xét ở góc độ chất lượng, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh thì một số kết quả đạt được của Việt Nam ở ASIAD 17 là rất đáng khích lệ. Điển hình chính là chiếc HCB của VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn. Mức cử giật 134kg của Thạch Kim Tuấn đã phá kỷ lục ASIAD do VĐV Trung Quốc Wu Jingbiao thiết lập với 1kg trội hơn.
Một trường hợp khác, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên dù chỉ đoạt HCĐ nội dung 400m tự do nữ, nhưng thành tích 4:39.65 là thông số tốt nhất của Ánh Viên từ trước đến nay. Điều này cho thấy hiệu quả chiến lược đầu tư đối với Ánh Viên trong thời gian vừa qua. Với tuổi đời còn rất trẻ (17 tuổi), Ánh Viên hứa hẹn còn nhiều thời gian phía trước để vươn lên một tầm mới, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh.
Bộ môn điền kinh, một trong những môn “đinh” tại các kỳ ASIAD và Olympic cũng ghi nhận thành công của Việt Nam với chiếc HCB nội dung nhảy xa của VĐV Bùi Thị Thu Thảo và chiếc HCB nội dung 400 m nữ của Quách Thị Lan.
Thành công của 2 VĐV trên đã phần nào khỏa lấp nỗi buồn thất trận của một gương mặt kỳ cựu khác, VĐV Vũ Thị Hương. Quan trọng hơn, điền kinh Việt Nam có thể hy vọng vào một lứa VĐV tài năng mới thay cho những VĐV kỳ cựu đã qua thời đỉnh cao.
ASIAD 17 cũng là kỳ thi đấu thành công của môn bóng đá với việc đội tuyển nam vượt qua vòng đấu bảng với ngôi vị đầu bảng để vào vòng 16 đội. Tuyển nữ trong khi đó gây bất ngờ lớn khi vào tới trận bán kết và chỉ chịu dừng bước trước đương kim vô địch thế giới Nhật Bản.