Khi ấy, phóng viên của hãng Reuters đã bị đuổi khỏi Iran vì đã thông tin rằng Tehran đang chuẩn bị một đội gồm các sát thủ chuyên nghiệp toàn nữ được đào tạo “nhẫn thuật” – một hệ thống kỹ thuật võ sát thương mà các ninja thực hành.
Thời điểm đó, câu chuyện này thu hút sự chú ý của công chúng. Độc giả khắp thế giới muốn biết thêm về đội ninja nữ của Iran.
Hãng Sputnik của Nga cũng đã liên hệ với câu lạc bộ huấn luyện ninja “khét tiếng” này ở Tehran và nói chuyện với huấn luyện viên trưởng Akbar Faraji, từ đó tiết lộ bí mật mà từ suốt năm 2012 đến nay khiến nhiều người kinh sợ.
Hóa ra “nhẫn thuật” không phải là điều gì mới mẻ ở Iran, vì phụ nữ ở đây đã tập loại hình võ thuật này trong hơn 2 thập kỷ. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, thầy dạy ninja cho biết bản thân ông đã dạy nhẫn thuật trong hơn 12 năm.
Chế độ tập luyện của các ninja Iran hoàn toàn giống với những người tập võ trên khắp thế giới. Akbar Faraji cho biết ông đã đi tới các nước khác, bao gồm cả Nga để trao đổi tri thức với các chuyên gia nhẫn thuật khác.
Faraji hướng tới việc khơi dậy nội tâm bên trong các học viên và thêm rằng, điều cốt yếu trong nhẫn thuật là khiến cho học viên cảm thấy yêu thích quá trình tập luyện và bảo đảm rằng họ không ngừng phát triển các kỹ năng này.
Akbar Faraji huấn luyện cả nam lẫn nữ. Theo ông, việc học viên là nam hay nữ không quan trọng, miễn là họ học được nghệ thuật cổ xưa này và triết lý đằng sau nó.
Tuy vậy, thực sự có rất nhiều phụ nữ đang theo học nhẫn thuật ở Iran. Lý do rất đơn giản: Nhẫn thuật đòi hỏi mặc bộ keikogi che kín toàn thân – một trang phục truyền thống phải mặc trong suốt quá trình tập luyện. Do bộ đồ huấn luyện che toàn thân, các lớp nhẫn thuật thu hút phụ nữ thuộc tất cả các lứa tuổi, bao gồm các phụ nữ tuân thủ các quy tắc hà khắc của luật Hồi giáo Sharia.
Vị huấn luyện viên chính nói: “Tại trung tâm của chúng tôi có các cháu gái 5-6 tuổi cũng như các phụ nữ 50 tuổi tới học và thực hành. Phụ nữ có thể thoải mái chọn bài tập có độ khó khác nhau cho phù hợp với thể trạng và sở thích của mình”.
Faraji nói: “Thông tin mà họ phát hành không đúng tí nào! Chúng tôi chỉ là một cơ sở thể thao. Các anh hãy tự xem xét nhé: Chúng tôi thực hiện việc huấn luyện võ thuật theo các quy định mà cả Liên đoàn Võ thuật Iran và Hội Nhẫn thuật Quốc tế thông qua... Tôi không phải là một tên khủng bố, tôi là một huấn luyện viên”.
Theo Faraji, một nữ phóng viên Reuters đã cố qua mặt ông. Nhà báo này nói là cô đang đưa tin về các hoạt động giải trí của các phụ nữ Iran tập võ thuật. Huấn luyện viên đã không mảy may nghi ngờ ý định thật của cô cho đến khi bài báo được phát hành.
Hối tiếc trước “sai lầm” của mình, Akbar Faraji cho biết nếu ông biết trước ý định thật của nữ phóng viên kia là chụp ảnh và viết tin, ông sẽ không bao giờ nói chuyện với cô ta.