Van Gaal và những điều làm thay đổi MU

Ngày đăng 12/04/2015 23:04

Chiến lược gia người Hà Lan đã trải qua thời gian khá dài dưới áp lực nặng nề khi không sao kết nối được những mắt xích đắt giá trong đội hình để mang lại chiến thắng cho đội nhà. Song sau quãng thời gian lận đận, giờ đây mọi chuyện đã có vẻ xuôi chèo mát mái với đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Vậy đâu là những điều chỉnh giúp M.U thay đổi như hiện nay.

Đó là sự hồi sinh của tiền vệ người Bỉ Marouane Fellaini. Từ bản hợp đồng tệ hại số một mùa trước, Fellaini lột xác trở thành một nhân tố không thể thiếu ở hàng tiền vệ Manchester United. HLV Van Gaal tỏ ra đủ dũng cảm và khôn ngoan để đưa tiền vệ người Bỉ vào khu trung tuyến vốn thừa thãi những cái tên đình đám đồng thời cho phép cầu thủ này thoải mái lên tham gia tấn công, gây đột biến.

Bên cạnh Fellaini, Ashley Young cũng là sự tái xuất đáng chú ý khác, cùng với sự trở lại của tân binh Ander Herrera sau thời gian sa sút phong độ. Nhưng đáng nói nhất phải kể tới người Tây Ban Nha Juan Mata. Vốn rất được CĐV Chelsea yêu mến, Mata lại không đáp ứng được kỳ vọng tại sân Old Trafford và có lúc được xem là bản hợp đồng thất bại của Manchester United. Còn giờ đây, cầu thủ có kỹ thuật và nhãn quan cahiến thuật rất tốt này trở thành mắt xích quan trọng trong cỗ máy được bôi dầu trơn tru của MU. Chuyện Mata cũng được CĐV Manchester United ngưỡng mộ hẳn không còn xa.

Cùng với việc làm hồi sinh một loạt cầu thủ tưởng chừng sẽ sớm phải khăn gói ra đi, HLV Van Gaal còn thể hiện rõ quan điểm dùng người đặc sắc của mình khi không hề coi trọng danh tiếng cầu thủ. Khi được hỏi tại sao ông lại ưa sử dụng cầu thủ tuổi teen James Wilson hơn là ngôi sao lĩnh lương 280.000 bảng/tuần là Radamel Falcao, Van Gaal đưa ra thông điệp rất rõ ràng: “Với tôi, một cầu thủ trị giá 95 triệu bảng hay một cầu thủ giá 5 bảng chả có gì khác biệt. Tất cả đều phải chứng tỏ giá trị của mình với tôi”.

Chính quan điểm dùng người đó của Louis van Gaal khiến những ngôi sao tầm cỡ như Falcao, Di Maria hay Robin van Persie cũng phải làm quen với băng ghế dự bị và luôn có cảm giác bị “đám đàn em” đuổi sát sau lưng. Nếu không nỗ lực hết sức, không chỉ ngồi dự bị, việc phải khăn gói ra đi cũng chỉ là chuyện sớm chiều.