Nền móng của ĐTQG nữ trong khoảng chục năm nay đều có công của HLV Mạnh Hùng. Khởi đầu từ 1999 ở giải Đông Nam Á, thầy trò HLV Mạnh Hùng đã xuất sắc đoạt tấm HCB đầu tiên tại một giải quốc tế, chỉ chịu thua Thái Lan quá mạnh.
Đến SEA Games 2001, ĐTVN chính thức đánh bại đối thủ khó chịu Philippines để “vượt ngưỡng” thành đội mạnh thứ 2 trong khu vực sau Thái Lan. Ngoài “học trò ruột” Đặng Thị Hồng, các tuyển thủ QG như Kim Huệ, Ngọc Hoa, Phạm Yến, Diệu Châu… đều thừa nhận nhờ thầy Hùng mới có thể đạt tới một đẳng cấp khác.
Năm 2004, ông Hùng đã nhận lời “cầu cứu” chuyển sang làm thuyền trưởng của ĐTQG nam nhắm tới mục tiêu cực khó là tấm huy chương SEA Games đầu tiên. Trước đó, thuận lợi về mọi mặt đến như SEA Games 22 trên sân nhà, đội còn văng ra khỏi nhóm tranh chấp huy chương nên rất ít người dám tin ông Hùng giúp ĐTVN bứt phá ngay ở SEA Games 23, khi Myanmar còn rất mạnh. Ông Hùng đã chọn “điểm nhấn” để công phá là Myanmar, nghiên cứu và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. ĐTVN tập trung cao độ, chiến thắng đối thủ này và đoạt HCĐ (đứng sau Thái Lan, Indonesia).
Sau 2 năm, ĐTVN của HLV Mạnh Hùng đã tiến những bước dài. Một trong số những thành công lớn nhất với chuyên gia này là “quân bài chiến lược” Ngô Văn Kiều, cầu thủ được ông Hùng đưa ra ánh sáng từ chỗ gần như vô danh. Dù nhiều người lo ngại, thậm chí chỉ trích nhưng ông Hùng đã sử dụng Kiều như là một vai chính của đội để rồi tạo nên một hiện tượng hiếm có của bóng chuyền Đông Nam Á. Kiều đã xứng danh một “oanh tạc cơ” giúp Việt Nam đả bại cả chủ nhà Thái Lan, lần đầu vào tới tận chung kết.
Trước SEA Games 28 chỉ 2 tháng, ĐTQG nam bất ngờ phải thay HLV trưởng và các nhà quản lý lại tìm đến một phương án “giải cứu” khả thi và yên tâm nhất: HLV Nguyễn Mạnh Hùng. Như thường lệ, ông đã nhận lời mà không lăn tăn hay đặt ra bất cứ điều kiện gì rồi lập tức bắt tay ngay vào việc. Mọi chuyện ở ĐTQG nam đã ổn thỏa ngay, như chưa hề có sự thay “tướng”, vốn tối kị ngay trước một cuộc đấu quốc tế.