1. Nếu tính từ trận bán kết lượt về tại AFF Cup 2014 đến nay, có thể nói đã có một bước tiến về tư duy chiến thuật của các đội bóng do HLV Miura dẫn dắt. Sự uyển chuyển trong cách chơi, khả năng thích ứng với chiến thuật là điều đáng ghi nhận.
Trong thế trận phòng thủ - phản công trước U.23 Hàn Quốc, khả năng chơi khu vực của các cầu thủ trẻ Việt Nam tiến một bước dài ở việc phân công kèm người và cách giải tỏa sức ép bằng những đường chuyền ngắn 1 chạm. Đây là một cách đá khá phù hợp với hình thể của cầu thủ Việt, tận dụng được lợi thế về kỹ thuật cùng sức rướn cự ly ngắn. Dù chỉ mới ráp nối được 3 ngày nhưng đội U.23 cho thấy họ “học” rất nhanh những chỉ đạo của HLV Miura từ sau vòng loại U.22 châu Á.
Thế nhưng, cũng tính từ trận bán kết AFF Cup 2014 đến nay, những sai sót cá nhân vẫn còn đó. Tiêu biểu nhất là pha “chơi” bóng của thủ môn Văn Tiến suýt nữa đã khiến U.23 trả giá đắt. Đây không phải là sai lầm bình thường mà nó phản ảnh một thực tế có lẽ HLV Miura cũng phải “bó tay”: Lỗi cá nhân mang tính hệ thống.
2. Sai sót của thủ môn Văn Tiến “nặng” ở chỗ nào? Đây là trận đấu mà U.23 chủ động phòng ngự, đá chắc bóng thậm chí còn quyết liệt trên mức cần thiết. Một trận đấu như vậy chỉ thành công với 2 điều kiện: Hàng thủ không được sai lầm và hàng công tận dụng triệt để mọi cơ hội. Nếu không có bàn thắng thì còn có thể giải thích thì việc mạo hiểm với bóng của thủ môn Văn Tiến là không thể chấp nhận được. Một bàn thua kiểu như vậy sẽ phá hỏng mọi ý đồ chiến thuật ngay lập tức.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các thủ môn Việt Nam mắc những lỗi lẽ ra không nên mắc phải. Sai sót cá nhân thì ai cũng có, nhưng cứ sai theo kiểu không được sai thì cần phải xem lại ý thức thi đấu của cầu thủ. Nó là sản phẩm của một nền bóng đá vẫn còn nghiệp dư trong cách chơi bóng, lỗi cơ bản vẫn xảy ra đều đặn trên mọi cấp độ, trong mọi hoàn cảnh. Thất bại ở trận bán kết lượt về trước Malaysia tại AFF Cup 2014 là một trong những trường hợp như vậy và không ai dám chắc sẽ không còn xảy đến trong tương lai, nhất là ở những trận đấu quan trọng.
3. HLV Miura có thể thay đổi được nhiều thứ, từ thể lực đến tư duy chiến thuật nhưng với lỗi cá nhân, ông không thể. Đây là điều hình thành từ cấp độ CLB nên chỉ tại môi trường đó, cầu thủ mới sửa chữa được.
Như trường hợp của Công Phượng. Kiểu đi bóng cúi mặt xuống đất của anh vốn quen ở U.19 và HA.GL, nhưng sẽ trở thành một điểm yếu tại đội U.23 khi mà Công Phượng sẽ không có những đồng đội chạy chỗ tạo khoảng trống giúp anh, cũng không có ai tìm sẵn chỗ trống để Phượng không cần ngước nhìn cũng chuyền bóng chính xác được. Khả năng giữ bóng, đi bóng của Công Phượng là một lợi thế cho U.23, nhưng thói quen của anh lại làm ảnh hưởng đến chiến thuật của toàn đội, bởi nó buộc những người đá cùng với Phượng phải hiểu anh nhiều hơn. Mà điều này, ở cấp độ đội tuyển với chế độ tập trung ngắn ngày, là không thể.
Không phải tự nhiên mà HLV Miura ưa thích những mẫu cầu thủ chơi bóng đơn giản, có tầm nhìn chiến thuật tốt và khả năng chơi đồng đội hiệu quả. Với một đội bóng có trình độ trung bình như Việt Nam, đấy là những yếu tố hàng đầu.