Không tin hoặc kém tin bởi vì đối thủ ở bảng C của U19 Việt Nam là 3 đội bóng Đông Á: U19 Nhật Bản, U19 Hàn Quốc và U19 Trung Quốc quá mạnh!
Nhưng HLV Guillaume Graechen lại có cách nhìn khác: “Đối thủ lớn nhất của U19 Việt Nam chính là bản thân các cầu thủ. Nếu toàn đội đều nhập cuộc tốt, tự tin vào bản thân thì chúng tôi cũng có thể tạo nhiều khó khăn cho các đối thủ”.
Gặp các đối thủ rất mạnh, nhưng HLV Guillaume vẫn thể hiện quyết tâm: “Chúng tôi hết sức tự tin có thể lấy được vé tham dự VCK U20 thế giới. Nếu giành một trong hai suất đi tiếp ở bảng C, chúng tôi sẽ thuận lợi trong việc giành vé dự vòng chung kết U20 thế giới, bởi đối thủ tiếp theo có thể là Qatar, đội bóng được đánh giá yếu hơn rất nhiều so với Nhật Bản, hay Hàn Quốc”.
Là một nhà cầm quân, HLV Guillaume Graechen phải khích tướng, nhưng khích tướng cũng phải có cơ sở. Cơ sở để HLV Guillaume Graechen tin rằng U19 Việt Nam có thể vào VCK U20 thế giới là, hơn ai hết, ông đã nhìn thấy các học trò càng ngày đã có nhiều tiến bộ.
U19 Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt từ thể lực, chiến thuật đến tâm lý được thể hiện qua giải U19 Đông Nam Á tại Mỹ Đình (Hà Nội) vừa qua và nhất là sau lần tập trung cuối cùng ở Hàm Rồng, trước khi lên đường đi Myanmar.
Giờ đây, U19 đã biết thay đổi chiến thuật cho thích nghi với từng đối thủ. Ví dụ như ở giải vừa rồi ở Hà Nội, trước các đối thủ mạnh như U19 Australia và U19 Nhật, U19 Việt Nam có khi không tấn công dồn dập, không lên bóng liên tục mà chơi chậm, chắc, giữ vững quyền kiểm soát và cố gắng hạn chế lối đá của đối thủ.
Trước đây, U19 Việt Nam thường có màn trình diễn kỹ thuật cá nhân hay phối hợp giữa các cầu thủ trẻ một cách đơn điệu nên khi đối thủ đã bắt bài lối chơi này họ thường tìm phương án chế ngự như U19 Indonesia ở giải U19 Đông Nam Á ở Indonesia hay U19 Myanmar ở giải U21 Brunei. Nhưng nay lối chơi của U19 Việt Nam đã phong phú đa dạng hơn.
Ở các giải đấu gần đây, U19 Việt Nam thường xuất phát với sơ đồ 4-2-3-1. Nhưng HLV Guillaume Graechen đã tính đến giải pháp chuyển sang chơi với sơ đồ 4-6-0 để các cầu thủ từ tuyến hai băng lên dứt điểm.
Với sơ đồ này, khu trung tuyến của U19 Việt Nam mạnh hơn và đó cũng là dịp để các tiền đạo “ảo” như Công Phượng hay Văn Long tìm kiếm cơ hội với những pha đi bóng thẳng vào trung lộ của đối phương.
Dù có tiến bộ như vậy, nhưng hãy thực tế, không nên ảo tưởng. Tự tin là tốt nhưng chúng ta nên thừa nhận U19 Việt Nam rơi vào bảng đấu có các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, hay một đối thủ mạnh ở Đông Á là Trung Quốc thì nên đặt mức đối trọng trước Trung Quốc, còn lại là cố gắng chơi tự tin và không quá lép vế trước Hàn Quốc và Nhật Bản là đã thành công so với trước đây.
Trước đây, không người Việt Nam nào dám nghĩ rằng U19 Việt Nam sẽ đi dự VCK U20 thế giới. Nhưng bây giờ đã có người nghĩ đến là tiến bộ quá rồi. Đường dài trăm dặm đi được 90 mới chỉ là một nửa. Trong ý hướng đó thì coi như U19 Việt Nam chỉ đi được nửa đoạn đường đến World Cup U20 mà thôi.
Nhưng cũng chừa một cửa nhỏ cỡ 1% vì trong bóng đá đều có bất ngờ dù là xác suất nhỏ nhất. Hãy nghĩ lại, trước Euro 2004 không ai nói rằng Hy Lạp sẽ lên ngôi vô địch, kể cả “thánh” Otto Rehhagel.