Qua các giải đấu mà U19 Việt Nam tham dự hơn 1 năm qua, không khó để nhận ra rằng khoảng cách giữa đội hình chính thức và các vị trí dự bị của đội bóng này không phải là nhỏ.
U19 Việt Nam cần những quân bài bất ngờ
Bằng chứng là ở các giải đấu mà mình tham dự, cứ hễ HLV Graechen Guillaume xáo trộn những vị trí trong đội hình chính thức, cất bớt một vài trụ cột, là đội bóng của ông lại xộc xệch.Nếu như trong đội hình chính, nhất là trên hàng tấn công, những Công Phượng, Tuấn Anh quá quan trọng vớ HLV Graechen Guillaume, quan trọng đến nỗi vị HLV người Pháp hầu như không dám để 2 cầu thủ này ngồi ngoài, thì trên băng ghế dự bị, vị HLV người Pháp có quá ít sự lựa chọn.
Đấy có thể nói là điểm yếu của U19 Việt Nam. Đặc biệt, ở VCK U19 châu Á sắp tới đây, khi chúng ta phải đối đầu với các đội bóng có đẳng cấp gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, một khi họ đã nghiên cứu cách chơi bóng của các trụ cột, U19 Việt Nam cần có những phương án phụ về nhân sự, đủ khiến đối thủ bất ngờ.
Có 2 gương mặt đang được kỳ vọng là Minh Vương và Thanh Tùng, nhưng sự thể hiện của họ trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của HLV Graechen Guillaume.
Minh Vương có thể đá tiền đạo lùi giống Công Phượng. Dĩ nhiên, cực khó để bóng đá Việt Nam tầm U19 tìm ra một Công Phượng thứ hai, nhưng trong một vài thời điểm cụ thể, người ta cần Minh Vương tạo nên đột biến, nhằm giảm tải cho Công Phượng, lúc đối phương ít để ý đến anh nhất.
Thanh Tùng cũng vậy, đây là cầu thủ khá đa năng trên hàng tiền vệ, nhưng Thanh Tùng chưa có những khoảnh khắc tỏa sáng khiến người ta phải nhớ như kiểu của Tuấn Anh, Xuân Trường hay Quang Hải.
Trong một giải đấu khó và dài hơi như VCK U19 châu Á, không thể đảm bảo trận nào những cầu thủ chính thức cũng tỏa sáng, nên quân khí dự phòng như Thanh Tùng, nếu được tung vào sân và thi đấu khởi sắc, sẽ có thể tạo nên sự đột biến cho đoàn quân của HLV Graechen Guillaume.
Hàng tiền đạo: Công thức “Công Phượng + 1”
So với các tuyến còn lại, hàng tiền đạo có vẻ là nơi có tính cạnh tranh cao nhất. Ngoại trừ Công Phượng coi như đã chắc suất đá tiền đạo lùi, những Văn Toàn, Tuấn Tài hay Minh Vương sẽ phải cạnh tranh chỗ đứng nơi tuyến đầu.
Thậm chí, có thể không ai trong số Văn Toàn, Tuấn Tài hay Minh Vương có chỗ chắc chắn đá bên cạnh Công Phượng trong từng trận đấu. Nhưng đôi khi như thế lại càng hay.
Tùy từng đối thủ, tùy từng trận đấu và tùy từng thời điểm, HLV Graechen Guillaume sẽ tính toán chọn ai chơi cao nhất trên hàng tấn công của U19 Việt Nam. Có khi như thế đối thủ sẽ khó bắt bài chúng ta hơn, bởi họ sẽ không biết đâu là người sẽ lĩnh ấn tiên phong cho U19 Việt Nam trong từng thời điểm khác nhau.
Vấn đề nằm ở chỗ là vị HLV người Pháp phải chuẩn bị sẵn sàng cho các cầu thủ ấy, cả về chuyên môn lẫn tinh thần, rằng người ngồi dự bị cũng chưa chắc là người không được trọng dụng, và ngay cả người chưa được sử dụng vào lúc này nhưng sẽ phải sẵn sàng vào lúc khác.
Còn một phương án khác mà U19 Việt Nam có thể sử dụng khi thật cần thiết, đấy là đôn trung vệ Đông Triều lên tuyến trên. Đông Triều vốn là cầu thủ được đào tạo để đá tấn công, anh chỉ sắm vai trung vệ vì bất đắc dĩ, vì yêu cầu của HLV Graechen Guillaume khi nắm đội tuyển U19 Việt Nam là ông cần trung vệ có khả năng… tấn công.
Nhờ được đào tạo để đá tấn công nên Đông Triều có đầy đủ kỹ năng của một cầu thủ chuyên tấn công. Dĩ nhiên việc đôn anh lên phía trên sẽ chỉ được thực hiện lúc cấp bách nhất, nhưng có khi như thế lại khiến cho đối phương bố rối nhất. Đôi khi trong bóng đá, người ta có thể thành công nhờ những việc mà mình dám nghĩ nhưng đối thủ không thể ngờ!