Nội dung mà ông Lê Thụy Hải nói nhiều nhất, cũng như trăn trở nhất chính là những “góc khuất” về tiêu cực của bóng đá Việt Nam. Ví dụ như sự kiện bán độ tại Bacolod mà với ông Hải “lơ”, lẽ ra bóng đá Việt Nam đã không mất đi một thế hệ tài năng nếu những người có trách nhiệm thể hiện đúng trách nhiệm của mình, sau khi được đội trưởng Phan Văn Tài Em báo về việc “làm độ” của nhóm cầu thủ trụ cột. Hoàn toàn không có một phản ứng ngăn ngừa gì từ những lãnh đạo theo đoàn, từ đó dẫn đến trận thua nặng nề 0-3 trước Thái Lan trong trận chung kết khi mà các cầu thủ đã xuống tinh thần khi biết được mình đang bị công an theo dõi.
2. Là người thuộc dạng “cây đa, cây đề” của bóng đá Việt Nam, ông Hải “lơ” khẳng định tiêu cực trong bóng đá xuất phát từ khả năng giáo dưỡng của những nhà quản lý, đào tạo cầu thủ. Theo ông, sẽ không có chuyện cầu thủ Đồng Nai “bán độ” sau khi công an vừa phanh phui một vụ tương tự ở Ninh Bình, nếu như các CLB quản lý cầu thủ tốt hơn. Cầu thủ không “bán độ” vì tiền, đôi khi với họ đó chỉ là một “trò vui”, từ cá độ trên mạng đến “nhúng chàm” bằng cách “làm độ” các trận mình thi đấu. Điều này xuất phát từ ý thức kém của cầu thủ do họ không được dạy dỗ từ khi còn nhỏ, nên thiếu những kiến thức pháp luật tối thiểu để tự răn đe mình.
Ông Lê Thụy Hải cũng cho rằng, những tiêu cực mang tính “truyền thống” như bán độ giữa 2 đội bóng, hiện tượng xin - cho điểm không còn nhiều tại bóng đá Việt Nam do quá dễ phát hiện, tiêu cực hiện nay chủ yếu đến từ cuộc sống bên ngoài xã hội của cầu thủ. Nếu từ các CLB không có sự quản lý tốt, tiêu cực sẽ phát triển.
3. Ông Lê Thụy Hải cũng tin rằng, bóng đá Việt Nam sẽ không phát triển nếu thiếu những phản biện xã hội từ chính những người làm chuyên môn, chính ông đã từng bị dư luận phản ứng với các phát biểu thẳng thắn về đội U.19 hay trình độ của HLV Miura. Theo ông, bầu không khí “nặng thành tích, thích vo tròn” đang làm hại nhiều thế hệ cầu thủ khi các ông bầu thì thích thành tích, VFF thì lo sợ chuyện “bứt dây động rừng”, từ đó nuông chiều cầu thủ, sẵn sàng can thiệp vào chuyên môn của HLV để đưa cầu thủ trở thành ngôi sao. Bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng, nhưng đa số đều không phát triển sự nghiệp một cách lâu dài chỉ vì họ quá dễ đạt được danh tiếng và tiền bạc. Nó khác hẳn thời mà ông đá bóng trước đây, hoàn toàn chỉ để phục vụ khán giả.